Xã hội

Bản tin 2/3: Hút khách quốc tế, nhiều tỉnh thành "bội thu" từ du lịch

Tp.HCM dự kiến dời lịch thi lớp 10; Hút khách quốc tế, nhiều tỉnh thành "bội thu" từ du lịch; Trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết tại Đồng Nai.

Tp.HCM dự kiến dời lịch thi lớp 10

Ảnh minh họa.

Theo Zing, ngày 1/3 TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, cho biết Sở sẽ đề xuất lên UBND thành phố về việc tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 sớm hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cụ thể là vào hai ngày 6-7/6. TS Hiếu cũng khẳng định, kỳ thi lớp 10 năm nay không có đề minh họa hay đề thi thử.

Kỳ thi lớp 10 năm nay vẫn giữ nguyên 3 môn thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, tất cả môn thi đều tính điểm hệ số 1. Nội dung, cấu trúc các môn thi đã được sở hướng dẫn thông qua các buổi họp chuyên môn và thông tin chung. Điều quan trọng là học sinh phải rà soát các kiến thức đã học, bổ sung năng lực chưa tốt để tự tin tham gia kỳ thi và đạt kết quả tương xứng với khả năng của bản thân.

Điểm mới trong kỳ thi là Tp.HCM sẽ triển khai đăng ký nguyện vọng theo hình thức trực tuyến 100%. Đây cũng là năm đầu tiên thành phố đưa AI vào hỗ trợ học sinh, phụ huynh đăng ký nguyện vọng thông qua website.

Nhiệm vụ của AI là phân tích cơ sở dữ liệu về năng lực học tập, địa chỉ cư trú của thí sinh, sau đó đánh giá và gửi đến thí sinh, phụ huynh những nguyện vọng trường tiệm cận năng lực học tập và điều kiện địa bàn của của từng gia đình. Đồng thời, AI sẽ giúp thí sinh dự báo khả năng trúng tuyển ở từng nguyện vọng và thông tin điểm chuẩn của các trường trong 3 năm gần nhất.

Theo Sở GD&ĐT Tp.HCM, kỳ thi lớp 10 năm 2023 tại thành phố có khoảng 100.000 thí sinh tham gia. Website tư vấn nguyện vọng tuyển sinh do sở cung cấp sẽ giúp học sinh có được những thông tin đầy đủ về các trường THPT trên địa bàn. Đây là công cụ để học sinh, phụ huynh có thể tìm hiểu, tham khảo, lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Hút khách quốc tế, nhiều tỉnh thành "bội thu" từ du lịch

Ngày càng nhiều du khách đến Việt Nam.

Báo Tiền Phong dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Một số địa phương cũng ghi nhận doanh thu từ dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống tăng trưởng hàng chục lần, như Hải Phòng, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội...

Hai tháng đầu năm, cả nước đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trong số này, có hơn 1,29 triệu lượt khách đến từ châu Á, chiếm 71,7%; khoảng 242.500 lượt khách từ châu Âu, chiếm 13,4%. Khách từ châu Mỹ đạt khoảng 186.300 lượt, châu Úc khoảng 77.300 lượt và châu Phi khoảng 4.300 lượt.

Lượng khách đến Việt Nam theo đường hàng không chiếm số lượng lớn nhất với hơn 1,636 triệu lượt, tăng gấp 37,8 lần so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, tuy lượng khách đến bằng đường biển 2 tháng mới đạt 13.000 lượt nhưng có mức tăng ấn tượng, gấp 464,3 lần so với cùng kỳ 2022.

Tính riêng tháng 2/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 933.000 lượt, tăng 7,1% so với tháng 1 (871.000 lượt) và tăng gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu du lịch lữ hành hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.700 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động khai Xuân trở lại sau dịch COVID-19. Đây cũng là yếu tố thu hút khách du lịch.

Doanh thu hai tháng đầu năm 2023 của một số địa phương tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng gấp 17,5 lần; Tây Ninh gấp 15,9 lần; Đà Nẵng gấp 7,1 lần; Hà Nội gấp 3,1 lần; Tp.HCM tăng 84,4%; Lạng Sơn tăng 27,1%; Ninh Bình tăng 17,8%; Kon Tum tăng 6,2%; Bình Dương tăng 5,2%; Hà Giang tăng 2,9%; Lai Châu tăng 0,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ: Đà Nẵng tăng 114,7% (năm 2022 giảm 29%); Khánh Hòa tăng 65,7%; Quảng Ninh tăng 47,7%; Tp.HCM tăng 45,1%; Đồng Nai tăng 25,4%; Hà Nội tăng 21,9%; Bình Dương tăng 6,2%.

Trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết tại Đồng Nai

Ảnh minh họa.

Theo TTXVN, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết.

Trường hợp này được xác định là bà Đ.T.C, 53 tuổi, ngụ xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, là tiểu thương buôn bán rau ngoài chợ.

Tiền sử bệnh án cho thấy, ngày 17/2 bà C thấy mệt trong người, đau bụng vùng thượng vị nên không đi bán hàng và được người nhà đưa đi khám bệnh tại một phòng khám tư. Tại đây, bà C được chẩn đoán là nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. Sau đó, bà C được đưa về nhà nghỉ ngơi và uống thuốc nhưng không thấy bớt.

Đến ngày 19/2, bệnh tình tiến triển nặng hơn nên bà C được gia đình đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM). Tại đây, bà được bác sĩ khám và cho nhập viện với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng.

Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng bệnh không thuyên giảm và chuyển biến xấu nên ngày 26/2 gia đình cam kết xin được đưa bà C về nhà. Đến chiều cùng ngày, bà C đã tử vong tại nhà riêng.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, bà C tử vong do sốt xuất huyết nặng (biến chứng sốc, suy đa tạng), nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết hậu môn và trực tràng, viêm dạ dày không đặc hiệu, bệnh đái tháo đường, tổn thương mụn nước dưới da.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ và Trạm Y tế xã Lâm San đã tới nhà bệnh nhân điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, phun hóa chất khu vực xung quanh. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, không ghi nhận trường hợp nào mắc sốt xuất huyết xung quanh khu vực nhà bệnh nhân, các dụng cụ chứa nước trong nhà không có lăng quăng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến ngày 1/3, toàn tỉnh ghi nhận gần 800 ca mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong.

Trúc Chi (t/h)