Xã hội

Bản tin 21/6: Hơn 46.900 thí sinh tự do đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Hơn 46.900 thí sinh tự do đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Sau 3 tiếng giết mổ lợn, người đàn ông 57 tuổi rơi vào trạng thái sốt cao...

Hơn 46.900 thí sinh tự do đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 24/4 đến ngày 28/4 và đăng ký dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học năm 2024 là 1.071.393, tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023; có 46.978 thí sinh tự do đăng ký thi, chiếm 4,38% tổng số thi sinh; thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh.

Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927 thí sinh chiếm 6,25% tổng số thí sinh. Trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh, Thành phố Hồ Chí Minh có 13.076 thí sinh.

Số điểm thi trên toàn quốc là 2.323, tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023; tổng số phòng thi trên toàn quốc là 45.149.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ngày 19/7, theo Công dân & Khuyến học.

Gia tăng ca bệnh ho gà ở trẻ chưa được tiêm vắc-xin

Cần tiêm vắc xin phòng bệnh đủ. Ảnh: Báo Thanh Niên.

TTXVN dẫn nguồn thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 12/6, trên địa bàn ghi nhận 30 ca bệnh ho gà, trong đó có 90% ca bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi và 40% ca bệnh ở trẻ dưới 2 tháng tuổi - đây là độ tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng mũi đầu tiên trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Tất cả trẻ bị ho gà đều có mẹ chưa tiêm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng ho gà. Khảo sát của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, có khoảng 1/3 trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà cần thở oxy qua ống thông mũi, hơn 1/4 trường hợp (8 ca) có chẩn đoán kèm với viêm phổi/viêm tiểu phế quản/viêm phế quản phổi/trào ngược dạ dày thực quản. Qua điều tra dịch tễ, các ca bệnh này xuất hiện rải rác và hiện chưa ghi nhận mối liên hệ dịch tễ với nhau.

Trước tình hình gia tăng số ca bệnh ho gà, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về cách phòng bệnh, lịch tiêm chủng vắc-xin có thành phần ho gà cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai; tăng cường tiêm chủng thường xuyên, tiêm bù, rà soát mời tiêm trẻ đối với những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin phòng bệnh ho gà.

Theo các bác sĩ, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây qua đường hô hấp, đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chủ yếu bị lây nhiễm từ mẹ hoặc người chăm sóc trong nhà. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Đối với trẻ sơ sinh, một số trẻ có thể không ho mà thay vào đó là tím tái hoặc thậm chí ngưng thở.

Tại Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Bệnh có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh ho gà đã có vắc-xin phòng bệnh và được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Lịch tiêm chủng vắc-xin có thành phần ho gà cho trẻ em được bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Đối với những trẻ dưới 2 tháng tuổi, miễn dịch thụ động được thừa hưởng từ mẹ (kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai) là rất cần thiết. Do đó, người mẹ cần tiêm chủng vắc-xin có thành phần ho gà trong thời kỳ mang thai. Điều này giúp bảo vệ người mẹ khỏi bị nhiễm và lây bệnh ho gà cho con, đồng thời cung cấp kháng thể phòng bệnh ho gà bảo vệ trẻ những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ.

Bên cạnh tiêm chủng vắc-xin, phụ huynh cần chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo môi trường sống xung quanh trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Khi trẻ có dấu hiệu mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Sau 3 tiếng giết mổ lợn, người đàn ông 57 tuổi rơi vào trạng thái sốt cao

Ngày 20/6, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 57 tuổi (ở Yên Bái) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái với chẩn đoán, sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn.

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) thông tin, trước khi nhập viện, bệnh nhân vẫn thực hiện công việc giết mổ lợn thường ngày. Nhưng chỉ sau khi mổ lợn 3 tiếng (khoảng 10h sáng), bệnh nhân có xuất hiện sốt, mệt mỏi, sau đó kèm theo đau bụng, nôn nhiều.

Tiếp đến, bệnh nhân có xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp và được đặt ống nội khí quản và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch.

Khi được đưa vào điều trị tại khoa, bệnh nhân có phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu… Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn được chỉ định lọc máu liên tục và thực hiện các can thiệp thủ thuật khác.

Được biết, thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặt ngón chân bị hoại tử…

Bác sĩ Phạm Văn Phúc lý giải, bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến, ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

Liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, họng, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

Trên người, biểu cảnh thường gặp nhất là viêm màng não mủ (96%) với các biểu hiện thường gặp như: Sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai.

Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng gây ra hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Để phòng bệnh, bác sĩ Phạm Văn Phúc khuyến cáo, người dân cần nấu chín thịt lợn, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Ngoài ra, sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.

Trúc Chi (t/h)