Xã hội

Bản tin 21/2: Số đông chọn thi 3 môn vào lớp 10 tại Hà Nội

Thông tin mới nhất về sức khỏe nạn nhân bị thương vụ tai nạn ở Quảng Nam; việc khảo sát chọn môn thi lớp 10 tại Hà Nội cho thấy số đông chọn thi 3 môn...

Số đông chọn thi 3 môn vào lớp 10 tại Hà Nội

Ảnh minh họa.

Thông tin trên Vietnamnet, UBND Tp.Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát ý kiến thầy cô giáo về nội dung thi 3 hay 4 môn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Văn phòng UBND Tp.Hà Nội cho biết sau khảo sát lấy ý kiến thầy cô giáo về nội dung kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 thì đa số ý kiến đồng ý với việc thi 3 môn.

Theo đó, hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tổng hợp để trình UBND Tp.Hà Nội về phương án cuối cùng về tuyển sinh lớp 10 năm 2023.

“Tinh thần khảo sát lấy ý kiến của người dân thì đa số đều đồng ý với phương án chỉ thi vào lớp 10 với 3 môn Văn, Tóan và Ngoại ngữ. Phương án cuối cùng chúng tôi sẽ thông tin sớm sau khi được phê duyệt và dự kiến trong tuần này sẽ có”, vị đại diện Văn phòng UBND Tp.Hà Nội cho hay.

Trước đó, việc thi 3 hay 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP. Hà Nội là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

Từ năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc tuyển sinh lớp 10, thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư (được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân và Địa lý). Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm bài thứ tư + Điểm ưu tiên.

Cụ thể năm 2020, 2022, do tác động của COVID-19, học sinh Hà Nội phải ở nhà, học trực tuyến trong thời gian dài, thành phố quyết định giảm bài thi thứ tư. Kỳ thi vào lớp 10 THPT chỉ còn ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Khi đó, điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên. Như vậy, trong bốn năm thực hiện kế hoạch mới để tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội mới tổ chức thi môn thứ tư được hai lần (năm 2019 và 2021). Môn được chọn đều là Lịch sử.

Thông tin mới nhất về sức khỏe nạn nhân bị thương vụ tai nạn ở Quảng Nam

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc.

Theo Giao Thông, ngày 20/2, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, các bệnh nhân bị thương trong vụ tai nạn hôm 14/2 đã ổn định, bệnh nhân Phạm Thị Mai (63 tuổi) và Trần Thị Bông (60 tuổi, cùng TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được cho xuất viện.

Trước đó, bà Mai nhập viện do bị gãy 2 xương sườn và chấn thương đầu. Còn bà Bông bị chấn thương phần mềm.

Cũng theo bác sĩ Hùng, 21/2, vợ chồng ông Dương Ngọc Kỳ (54 tuổi) và bà Lê Thị Tín (48 tuổi, cùng trú xã Nghĩa Hòa, Tp.Quảng Ngãi) cũng sẽ được làm thủ tục xuất viện. Với 6 bệnh nhân còn lại, sức khỏe đang tiến tiến triển tốt.

Trong đó, bệnh nhân bị nặng nhất là ông Lê Văn Nốp (41 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) bị chấn thương sọ não. Hiện ông Nốp đã qua nguy kịch, sức khỏe ổn định, được rút máy thở, tỉnh táo.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn để người này nằm ở phòng hồi sức để theo dõi tiếp", bác sĩ Hùng cho hay.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra vào rạng sáng 14/2, tại nút giao thông đường 129 - ĐT619 (địa phận huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ TNGT thảm khốc giữa xe khách và xe đầu kéo khiến 6 người tử vong tại chỗ, 4 người tử vong tại bệnh viện, 11 người bị thương.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định xe khách chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định.

Đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông đường sắt

Ảnh: TTXVN.

Theo TTXVN, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết năm 2023 sẽ khởi công 5 dự án hạ tầng đường sắt nhóm B, nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, vốn ODA của Hàn Quốc.

Trong số đó, có 3 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh tại 3 đoạn: Hà Nội-Vinh, Vinh-Nha Trang, Nha Trang-Sài Gòn, thời gian dự kiến thực hiện trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu các dự án là nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, 3 dự án này có thể coi là bước đầu tư tiếp theo của 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 (gói 7.000 tỷ đồng), nhằm phát huy hiệu quả đầu tư hơn nữa trên toàn tuyến.

Cụ thể, Dự án Nha Trang-Sài Gòn có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng, trên chiều dài khoảng 411km, vừa được khởi công ngày 26/1/2023.

Hai dự án còn lại là Dự án Hà Nội-Vinh có tổng mức đầu tư khoảng 811 tỷ đồng, trên tổng chiều dài dự án khoảng 319,202km; Dự án Vinh-Nha Trang có tổng mức đầu tư khoảng 1.189,9 tỷ đồng, trên tổng chiều dài khoảng 995,728km, dự kiến sẽ khởi công trong quý 1/2023.

Đặc biệt, hai dự án nhóm B khác là Dự án Cải tạo các ga đường sắt phía Bắc và Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống). Dự án ga có tổng mức đầu tư dự kiến 476 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự án thực hiện cải tạo nâng cấp 3 ga hành khách và 4 ga hàng hóa, dự kiến khởi công trong quý 1/2023.

Dự án cầu đường sắt Đuống có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.848 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2021-2025. Dự án thực hiện nâng tĩnh không thông thuyền cầu, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc. Dự kiến sẽ khởi công xây lắp vào giữa năm 2023.

Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết 5 dự án nhóm B này có thể coi là các dự án động lực trong giai đoạn 2021-2025, tạo động lực cho kỳ trung hạn sau.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng đang thực hiện đầu tư Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải qua khu vực đèo trên chiều dài gần 7km.

Tổng mức đầu tư dự kiến 2.010,7 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA từ quỹ EDCF (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc) của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Ban đang hoàn tất các thủ tục, tiến tới ký hợp đồng xây lắp và dự kiến triển khai thi công các gói thầu XL-01, XL-02 vào quý 3/2023.

Trúc Chi (t/h)