Xã hội

Bản tin 2/11: Bộ trưởng Y tế giải trình làm rõ tình trạng thiếu thuốc

Bộ trưởng Y tế giải trình làm rõ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; Mải mê chơi pháo, bé trai 11 tuổi bị nhiều mảnh thủy tinh găm vào người... là các tin nổi bật.

Bộ trưởng Y tế giải trình làm rõ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Sáng 1/11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực y tế của nước ta, cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế…

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng.

Bà Lan thừa nhận sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

Trong bối cảnh đó, ngành y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Đáng chú ý, về khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế cho biết đã có báo cáo nhanh về tình hình. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng.

Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Hoa Kỳ…

Đặc biệt, thiếu các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vắc-xin khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc, sinh phẩm chế biến từ huyết tương trong máu người…

Ngày 24/10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã đã họp bàn và ra thông báo về vấn đề tăng cường các hành động nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc trầm trọng và tăng cường an ninh nguồn cung.

Theo bà Lan, vấn đề này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó, có những nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu...

Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay việc thực hiện ở cả 3 cấp. Tại Trung ương, đấu thầu tập Trung Quốc gia chiếm khoảng từ 16,5-18 % số lượng thuốc toàn quốc. Cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như đã nêu trên còn các nguyên nhân chủ quan, như do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập.

"Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời hiệu quả, đặc biệt là có tâm lý e ngại sợ sai một số cá nhân, đơn vị và địa phương", bà Lan nói.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế, các Bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc liên quan tới cơ chế mua sắm đấu thầu, thuốc, vật tư y tế.

Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Bà Lan cho biết đến nay, các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định này.

Dự báo Biển Đông có thể đón 1-2 cơn bão trong tháng 11

Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo Tiền Phong, nhận định về xu thế thời tiết tháng 11/2023, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời gian này có khoảng 1-2 cơn bão hoạt động trên khu vực Biển Đông, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Dự báo xa hơn, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Năm nay, do tác động của El Nino, số lượng các cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta ít hơn so với trung bình nhiều năm.

Đáng chú ý, tong tháng 10, Biển Đông xuất hiện hai cơn bão, trong đó bão KOINU đi vào vùng biển phía Đông Bắc của Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong năm 2023. Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, đến sáng ngày 10/10 suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) và tan dần.

Cơn bão số 5 hình thành từ một vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, mạnh lên thành ATNĐ, sau đó ATNĐ mạnh lên thành bão số 5, di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, đi dọc bờ biển nước ta, đổi hướng và tan dần trên khu vực phía Nam của vịnh Bắc Bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, trong tháng 11/2023, không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất nhưng cường độ có khả năng không mạnh.

Dự báo nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ.

Tại miền Trung, tháng 11 là thời gian chính của mùa mưa. Do sự tác động của các hình thế thời tiết như không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động gió Đông trên cao nên các đợt mưa vừa, mưa to tiếp tục xảy ra ở khu vực này.

Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 11 cũng xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông, tập trung nhiều vào giai đoạn nửa đầu tháng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mải mê chơi pháo, bé trai 11 tuổi bị nhiều mảnh thủy tinh găm vào người

Ảnh chụp X-quang bệnh nhân bị nhiều dị vật thủy tinh găm do pháo nổ

Theo Sức khỏe & Đời sống, bé trai 11 tuổi ở Tp.Sông Công, Thái Nguyên bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ, trẻ bị đa tổn thương vùng đầu, mặt, cổ, bàn chân…

Khai thác tiền sử bệnh người nhà kể lại, bệnh nhân bị thuốc pháo nổ, sau tai nạn nhập viện trong tình trạng tổn thương nhiều vùng cơ thể.

Bác sĩ khám kết quả lâm sàng tại BV A Thái Nguyên cho thấy, vùng mặt bệnh nhân có nhiều vết thương nhỏ, kích thước khoảng 1-2 cm/mỗi vết thương, mắt phải xung huyết. Vùng ngực có nhiều vết thương và mảnh kính nhỏ ngăm vào da.

Vùng mông đùi hai bên và cẳng chân phải có nhiều vết thương tổn thương nông từ 1- 3 cm tổ chức da dập nát.

Tổn thương pháo gây khuyết phần mềm mu bàn chân phải lộ gân kích thước 4x5 cm, gãy đốt bàn ngón V chân phải, gãy đốt gần ngón V chân phải, vỡ xương gót do sức ép của chất nổ.

Ths. BS Lại Thành Đạt – Khoa Ngoại Chấn Thương, Bệnh Viện A Thái Nguyên khuyến cáo: Khi trẻ bị bỏng pháo nổ, nếu bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào mặt, nếu bị bỏng ở người, chân, tay… thì cần ngâm bộ phận bị bỏng vào trong nước mát hoặc xả nhẹ vòi nước sạch vào vùng bỏng ít nhất khoảng 15 phút. Việc này có tác dụng làm giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ.

Nếu quần áo dính vào vết bỏng thì tuyệt đối không được làm mọi cách để gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau.

Không được bôi hóa chất (dầu gió, nước vôi), kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và đặc biệt là thảo dược không rõ nguồn gốc vào vùng bị bỏng vì có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.

Nếu bị bỏng ở mắt do hóa chất bắn vào thì phải rửa mắt ngay bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất càng sớm càng tốt, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Trúc Chi (t/h)