Xã hội

Bản tin 18/3: 173 doanh nghiệp tại Đà Nẵng nợ hơn 89 tỷ đồng tiền bảo hiểm

Hiệu trưởng trở thành Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội; 173 doanh nghiệp tại Đà Nẵng nợ hơn 89 tỷ đồng tiền bảo hiểm...

Cố vượt gác chắn đường sắt, người đàn ông bị tàu hỏa đâm tử vong

Hiện trường vụ tai nạn

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 17/3, lãnh đạo UBND xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến một người đàn ông tử vong tại chỗ.

Khoảng 9h20 cùng ngày, ông N.Q.T (SN 1937) trú thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn đi xe đạp theo hướng từ thôn Kinh Môn ra Quốc lộ 1A.

Khi đến khu vực gác chắn đường tàu, thuộc địa phận thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, ông T. dắt xe qua đường tàu dù gác chắn tàu đã hạ xuống.

Đúng lúc đó, tàu SE1 đang di chuyển tới đã đâm trúng khiến ông T. tử vong tại chỗ.

Hiện, thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

173 doanh nghiệp tại Đà Nẵng nợ hơn 89 tỷ đồng tiền BHXH

Người lao động đến BHXH thành phố Đà Nẵng giải quyết các chế độ trợ cấp. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Theo báo Nhân Dân, báo cáo mới nhất của BHXH Tp.Đà Nẵng cho biết, tính đến hết ngày 28/2, tổng số nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của 173 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là hơn 89 tỷ đồng.

Cụ thể, Chi nhánh II-Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng nợ bảo hiểm xã hội số tiền hơn 8 tỷ đồng; Công ty cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng nợ số tiền hơn 6,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Emprie Hospitality nợ số tiền hơn 6,5 tỷ đồng; Công ty TNHH trang trí nội thất quảng cáo Sài Gòn DAD nợ số tiền hơn 5 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.2-Công ty Cổ Phần Sông Đà 10 nợ hơn 3,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Hòa Bình-Chi nhánh Đà Nẵng nợ hơn 3,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 7 nợ hơn 2,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vinatex Đà Nẵng nợ số tiền hơn 2 tỷ đồng...

Bên cạnh những doanh nghiệp có số nợ lớn, có nhiều doanh nghiệp nợ số tiền vài trăm triệu đồng nhưng thời gian nợ rất dài, dẫn tới tình trạng nhiều người lao động không được hưởng các chế độ trợ cấp BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Hiệu trưởng trở thành Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội

PGS Huỳnh Quyết Thắng được công nhận Giám đốc đại học (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: HUST.

Thông tin trên Zing, sáng 17/3, Bộ GD&ĐT công bố quyết định chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành đại Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời công bố các quyết định công tác nhân sự.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao các quyết định quan trọng về công tác nhân sự của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể:

GS Lê Anh Tuấn được công nhận Chủ tịch Hội đồng đại học (nhiệm kỳ 2020-2025);

PGS Huỳnh Quyết Thắng được công nhận Giám đốc đại học (nhiệm kỳ 2020-2025);

TS Bùi Đức Hùng giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng đại học;

PGS Nguyễn Phong Điền, PGS Huỳnh Đăng Chính, PGS Trần Ngọc Khiêm giữ chức vụ Phó giám đốc đại học;

ThS Lã Thu Thủy giữ chức vụ Kế toán trưởng đại học;

PGS Nguyễn Việt Dũng giữ chức vụ Thư ký Hội đồng đại học.

Trước đó, ngày 2/12/2022, Thủ tướng có quyết định về việc chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đây là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi Luật Giáo dục đại học 2019 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực từ ngày 2/12.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

- Trường phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Trúc Chi (t/h)