Xã hội

Bản tin 18/1: Khảo sát học sinh lớp 11 và 12 toàn Tp.Hà Nội

Bác sĩ đứng nửa ngày để lấy khối u não "khủng" to bằng quả cam; Khảo sát học sinh lớp 11 và 12 toàn Tp.Hà Nội...

Khảo sát học sinh lớp 11 và 12 toàn Tp.Hà Nội

Ảnh minh họa.

Thông tin trên Pháp Luật Việt Nam, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tổ chức khảo sát học sinh toàn thành phố đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức nhiều năm nay. Điểm mới của kỳ khảo sát năm học 2023-2024 là mở rộng đối tượng tham gia.

Nếu như các năm học trước, đối tượng tham gia kỳ khảo sát là học sinh lớp 12 học tại các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, thì năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mở rộng thêm đối tượng tham gia khảo sát là học sinh lớp 11.

Đây là lứa học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2025 - kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2022-2023, học sinh lớp 12 của thành phố làm bài khảo sát trong hai ngày 7, 8/4/2023. Hình thức và thời gian làm bài được thực hiện tương tự như với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, học sinh lớp 12 các trường trung học phổ thông làm 4 bài kiểm tra, trong đó có 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Học sinh lớp 12 học chương trình giáo dục thường xuyên làm 3 bài kiểm tra, trong đó có 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Bác sĩ đứng nửa ngày để lấy khối u não "khủng" to bằng quả cam

Bệnh nhân điều trị tại viện.

Theo Tri Thức ngày 18/1, TS.BS Dương Thanh Tùng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Tp.HCM), cho biết ê-kíp phẫu thuật của bệnh viện vừa cứu sống nam bệnh nhân có u não kích thước lớn, hiếm gặp đe dọa tính mạng

Bệnh nhân T.Q.C., 21 tuổi, ngụ Tp.HCM, nhập viện ngày 3/1, do nhức đầu, lơ mơ, ngủ li bì và yếu dần chân tay tăng dần trong khoảng một tháng nay.

Người bệnh có khối u màng não kích thước 10x9x7cm ở bán cầu não phải. U lớn chèn ép nặng mô não, đẩy lệch đường giữa hai bán cầu não sang bên trái 22mm, gây thoát vị mô não. U còn biến chứng phù não gây chèn ép não nặng, đe dọa tụt não, tử vong.

Anh C. được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật khó khăn và nguy hiểm do tình trạng não của người bệnh bị phù. Đồng thời, khối u có nhiều mạch máu tăng sinh chằng chịt bao quanh nuôi.

Nếu không thể kiểm soát tốt các mạch máu này, người bệnh có nguy cơ chảy máu ồ ạt, khó cầm máu khi phẫu thuật. Mặt khác, phẫu thuật cũng có nguy cơ làm thương tổn các cấu trúc thần kinh sinh tồn xung quanh u. Tỉ lệ tai biến và biến chứng trong và sau phẫu thuật của ca bệnh này rất cao.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ chảy máu, người bệnh được can thiệp tắc mạch máu trước mổ bằng DSA (kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền). Một ngày sau, anh C. được phẫu thuật cắt khối u dưới dưới kính vi phẫu. Ca mổ kéo dài 11 giờ, bác sĩ đã cắt bỏ được toàn bộ u, giải ép não an toàn.

Tương tự, ông P.H.S., 53 tuổi, ngụ Tp.HCM, cũng được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định “giải thoát” khỏi khối u nguyên bào mạch máu (Hemangioblastoma - một loại u não dạng mạch máu).

Khối u có kích thước 5x4x4 cm ở tiểu não trái, khiến người bệnh thường xuyên lừ đừ, nhức đầu, chóng mặt và nôn ói. U lớn chèn ép não thất, gây giãn não thất. Đặc biệt, khối u này có những nang mạch máu cùng hệ thống mạch máu nuôi dưỡng phong phú, nguy cơ biến chứng chảy máu ồ ạt trong khi mổ.

Khi phẫu thuật, dù các mạch máu này đã được can thiệp tắc mạch, nhưng các phẫu thuật viên vẫn phải thao tác phẫu thuật tỉ mỉ, khéo léo để bóc tách xung quanh khối u, triệt tiêu từng nhánh động mạch nuôi u và cắt u trọn khối.

Hiện cả hai bệnh nhân đều hồi phục tốt trong giai đoạn hậu phẫu. Họ tỉnh táo, tiếp xúc tốt và hồi phục các triệu chứng khiếm khuyết thần kinh, không còn yếu liệt chân tay, có thể được xuất viện sớm.

Theo bác sĩ Tùng, u não có thể gặp ở mọi lứa tuổi. U thường phát triển âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu mà chỉ xuất hiện triệu chứng khi u chèn ép vào các thành phần của hệ thần kinh. Đặc biệt là khi u đã tạo thành nang dịch tăng thể tích, gây phù mô não quanh u, tăng áp lực nội sọ.

Dấu hiệu phổ biến của u não là những cơn đau đầu kéo dài và tăng dần. Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan đối với những cơn đau đầu. Khi đau đầu kéo dài, bất thường, người dân cần đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa thần kinh để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Nhanh tay cứu tài xế bị mắc kẹt trong xe do tai nạn giao thông

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Báo Lạng Sơn.

Thông tin ban đầu trên báo Lạng Sơn, khoảng 5h30 phút ngày 18/1, nhận tin báo của cán bộ Trạm Cảnh sát Giao thông Tùng Diễn về việc có 1 người mắc kẹt trong xe do tai nạn giao thông tại Km41 + 750 Quốc lộ 1A, địa phận xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực II (trụ sở tại khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng), thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đã điều 1 xe cùng 7 cán bộ chiến sĩ đến CNCH.

Đến nơi, thấy xe ô tô ford biển kiểm soát 29F-035.53 va chạm với xe tải cỡ nhỏ biển kiểm soát 36C-337.37, tài xế xe tải bị mắc kẹt trong xe, hai chân kẹt trong cabin, các cán bộ chiến sĩ đã tổ chức các biện pháp CNCH. Đến 6 giờ 20 phút, các cán bộ chiến sĩ đã đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn, bàn giao cho lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu.

Được biết, tài xế bị kẹt trong xe là Hoàng Quang Huy, sinh năm 2000, quê quán xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Trúc Chi (t/h)