Xã hội

Bản tin 16/9: Tuyệt đối không để tình trạng lạm thu đầu năm học

Tuyệt đối không để tình trạng lạm thu đầu năm học; Hoàn cảnh đáng thương của nữ bác sĩ bị thương nặng trong vụ cháy chung cư mini...

Tuyệt đối không để tình trạng lạm thu đầu năm học

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản số 4539/UBND-THVX về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm học 2023-2024. Trong đó chỉ đạo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đồng thời bám sát Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND quy định các khoản thu và cơ chế quản lý thu, chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định của Chính phủ.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu; tiếp tục chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện việc vận động, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân..., theo báo Tuyên Quang.

Hoàn cảnh đáng thương của nữ bác sĩ bị thương nặng trong vụ cháy chung cư mini

Thủ tưởng Chính phủ tới thăm bác sĩ Nhung ngày 13/9. Ảnh: BVCC.

Công an Tp.Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương ( tính đến 19h tối 13/9) xảy ra tại chung cư mini địa chỉ số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội. Đây là ngôi nhà cao 9 tầng, 1 tum, được xây trên nền diện tích khoảng 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.

Hiện nhiều nạn nhân đang được điều trị tại viện. Trong vụ hỏa hoạn chung cư mini có một hoàn cảnh khó khăn là bác sĩ Nhung được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê do ngạt khói, suy hô hấp, suy đa tạng do nhiễm khí độc, viêm phổi, nhiễm toan nặng.

Trao đổi với phóng viên báo Vietnamnet, bác sĩ Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết bác sĩ Vũ Thị Nhung đang làm việc tại Trung tâm Giải phẫu bệnh - Tế bào học của bệnh viện.

Các bác sĩ đã nhanh chóng mở khí quản, cho chị Nhung thở máy. May mắn, sau 2 ngày, sức khỏe của bác sĩ Nhung đã có tiến triển tích cực. Chị đang được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực.

"Các bác sĩ Trung tâm hồi sức đã rút ống nội khí quản, Nhung đã có phản xạ, nhận biết được mình đang cấp cứu tại bệnh viện. Mọi người đều mừng vì hy vọng sống của đồng nghiệp vẫn còn", bác sĩ Trà cho biết thêm.

Được biết, sống cùng nhà với chị Nhung còn có chồng và em gái. Hai nạn nhân này ngạt khí nhẹ hơn được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sức khỏe ổn định.

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Vũ Thị Nhung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Con đầu lòng của chị đã qua đời khi được 6 tháng tuổi do mắc phải căn bệnh ác tính. Sau đó, chị Nhung rất khó mang thai vì vô sinh thứ phát. Năm 2017, bác sĩ Nhung phải phẫu thuật cắt bỏ 1/2 buồng trứng với chẩn đoán u quái.

Sau thời gian dài vợ chồng chạy chữa hiếm muộn, đến năm 37 tuổi, chị Nhung mới sinh thêm được bé thứ hai. Hiện bé được 2 tuổi. May mắn, cách đây không lâu, bé đã được đưa về quê với ông bà nên thoát khỏi vụ cháy. Mắc bệnh cùng với nhiều năm chạy chữa vô sinh khiến kinh tế gia đình của bác sĩ Nhung gặp nhiều khó khăn.

Với mong muốn hỗ trợ đồng nghiệp, ngày 13/9, công đoàn đã tổ chức kêu gọi các cán bộ, viên chức người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai ủng hộ bác sĩ Nhung.

Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng. Ảnh: BVNTW.

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt TW cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.

TS. BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt TW cho biết, nếu như các năm trước, khi mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

BS Hoàng Cương cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn chiều 14/9, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết theo ghi nhận của Sở Y tế, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Thống kê cho thấy, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13/9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12/9 (ca có địa chỉ tại thành phố chiếm 86,9%); trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12/9).

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Trúc Chi (t/h)