Xã hội

Bản tin 16/3: Học sinh lớp 9 Tp.HCM phải có căn cước công dân gắn chip để thi vào lớp 10

Học sinh lớp 9 Tp.HCM phải có căn cước công dân gắn chip để thi vào lớp 10; Nửa cuối tháng 3, nắng nóng bắt đầu lan rộng...

Học sinh lớp 9 Tp.HCM phải có căn cước công dân gắn chip để thi vào lớp 10

Ông Hồ Tấn Minh (bên phải) thông tin tại buổi họp. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại.

Theo Giáo Dục và Thời Đại, ngày 15/3, Sở GD&ĐT Tp.HCM tổ chức giao ban các phòng GD&ĐT trên địa bàn.

Tại buổi họp giao ban, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, đối với học sinh lớp 9 đảm bảo các em phải có căn cước công dân gắn chíp để phục vụ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Đối với học sinh tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 thì buộc phải có mã định danh. Năm nay, tất cả các khâu tuyển sinh đầu cấp đều không sử dụng hồ sơ giấy.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, TP vẫn còn gần 28% học sinh sinh năm 2004, 2005, 2007, 2008 chưa có căn cước công dân gắn chip. Hiện Sở đang phối hợp với Công an Tp.HCM, hỗ trợ các trường hợp chưa có thông tin, dữ liệu, đảm bảo tất cả học sinh thành phố trong độ tuổi quy định đều có mã định danh và căn cước công dân gắn chip.

Đặc biệt Công an Tp.HCM sẽ đến tận các trường THCS để phục vụ việc cấp căn cước công dân gắn chip cho học sinh khối 9 phục vụ tuyển sinh vào lớp 10. Việc làm căn cước sẽ đảm bảo hoàn tất trước ngày 15/5 để kịp thời phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024.

Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết Tp.HCM vẫn còn khoảng 3.000 học sinh chưa xác định được mã định danh. Tình trạng này sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh đầu cấp trực tuyến.

Ông Minh đề nghị, lãnh đạo các cơ sở giáo dục quan tâm hơn đến việc này, đặc biệt là học sinh 5-6 tuổi, học sinh lớp 5, lớp 9. Việc rà soát và bảo mật dữ liệu là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trường học và cán bộ phụ trách về CNTT của trường. Không chỉ đảm bảo dữ liệu không bị rò rỉ ra ngoài mà các trường cần đảm bảo tiến độ thực hiện công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên Tp.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp không khai báo, vì vậy các phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức và 21 quận, huyện phải phối hợp với các phường, xã rà soát danh sách, xác định nơi cư trú thực tế của học sinh. Từ đó phòng giáo dục sẽ là cơ quan tham mưu, bố trí phân bổ chỗ học cho học sinh sau khi rà soát dữ liệu.

Nửa cuối tháng 3, nắng nóng bắt đầu lan rộng

Ảnh minh họa.

Trung tâm Dự báo khí tượng - Thủy văn Quốc gia đã có báo cáo cập nhật ngày 15-3 về xu thế thời tiết và thiên tai trên cả nước từ nay đến tháng 6 và tháng 9.

Trong báo cáo, các chuyên gia nhận định, nửa cuối tháng 3, sẽ xuất hiện nắng nóng cục bộ xuất tại khu vực Tây Bắc của Bắc bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung bộ và tiếp tục duy trì ở khu vực Nam bộ, sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc bộ, khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ vào tháng 4 và 5.

Nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước trong tháng 4-2023 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1oC; riêng khu vực Tây Nguyên - Nam bộ thấp hơn khoảng 0,5oC. Từ tháng 5 đến 6, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn khoảng 0,5oC so với trung bình cùng thời kỳ của nhiều năm trên phạm vi cả nước. Có nghĩa là mùa hè năm nay ở miền Bắc sẽ nóng hơn.

Các chuyên gia khí tượng lưu ý, hiện đang bước vào giai đoạn chuyển mùa ở các miền, nên dễ xảy ra hiện tượng mưa lớn, nắng nóng, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa này, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Từ tháng 4 đến tháng 6, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục có xu hướng tăng dần và ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-90%.

Từ nay đến tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông, nhưng khoảng từ nửa cuối tháng 6 có khả năng xuất hiện và tình trạng này là “phù hợp với quy luật khí hậu”.

Phát hiện 2 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, Hà Nội ra công văn tăng cường phòng, chống bệnh 

Ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn ở Hà Nội được điều trị. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có một bệnh nhân làm nghề bán lòng lợn tiết canh và một bệnh nhân không có tiền sử ăn lòng lợn tiết canh hay tham gia giết mổ lợn.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 965/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập về việc tăng cường phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người sau khi địa bàn Tp.Hà Nội ghi nhận 2 ca nhiễm.

Công văn của Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nhiễm liên cầu khuẩn lợn trên người. Trong đó, CDC phối hợp với Chi cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên người.

Ngoài ra, CDC thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn. Đồng thời, tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện bộ/ngành và các bệnh viện tuyến thành phố để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng.

Tại Công văn, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các quận, huyện, thị xã nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; chịu trách nhiệm giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch...

Các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. Ngoài ra, các đơn vị này cần tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh và thông báo cho CDC hoặc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để điều tra, xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Trúc Chi (t/h)