Xã hội

Bản tin 1/4: Hà Nội triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học

Hà Nội triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học; Xe máy tông vào xe cuốc, 2 thiếu niên nhập viện...

Hà Nội triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học

Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông trên địa bàn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, trong tháng 4/2024, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm học bạ số đối với cấp tiểu học.

Từ tháng 5/2025, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm học bạ số với cấp trung học.

Tháng 7/2024, sẽ tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thí điểm.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, ngành Giáo dục Hà Nội hiện có 2.852 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với quy mô khoảng 2,2 triệu học sinh.

Hiện nay, 100% thông tin học sinh đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư.

100% trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối Internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.

Theo Công An Nhân Dân trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học trên phạm vi toàn quốc trong năm học 2023-2024.

Thời tiết chuyển mùa, trẻ em nhập viện vì bệnh đường hô hấp tăng cao

Điều trị bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

Thông tin trên ANTĐ những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi đến khám, 60-70% là bệnh đường hô hấp, trong đó có những trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp…

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, thời điểm giao mùa, sự chênh lệch về nhiệt độ, độ ẩm không khí khiến số trẻ viêm đường hô hấp tăng cao. Tại khoa Nhi của bệnh viện hiện ghi nhận hơn 100 bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đang điều trị, trong đó có nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, các bệnh đường hô hấp hay gặp ở trẻ liên quan đến virus như viêm tiểu phế quản do virus RSV, cảm cúm, cúm A, cúm B, Adeno virus và một số bệnh nhiễm khuẩn khác...

Trong đó, virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp, dễ gây biến chứng nặng. Sau 2-3 ngày nhiễm bệnh sẽ tiến triển nặng lên và chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi; bệnh có thể biến chứng thành bội nhiễm gây viêm tai giữa, có trẻ bị viêm tiểu phế quản, suy hô hấp…

Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng thông tin cho biết, trong nửa đầu tháng 3, khoa Nhi của bệnh viện ghi nhận 74 trẻ nhiễm RSV đến khám và điều trị. Lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh liên quan đường hô hấp khác cũng tăng đáng kể trong gần 2 tháng trở lại đây.

Theo các bác sĩ, bệnh do virus hợp bào hô hấp thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, nhất là mùa xuân - hè. Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh, có thể dẫn tới khó thở, suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi.

Do vậy, trong thời điểm giao mùa này, để phòng tránh nhiễm RSV, cần chú ý hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh tay; cha mẹ cũng cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, sau khi cho trẻ ăn, tránh chạm vào mắt, mũi và miệng trẻ bằng tay khi chưa rửa sạch.

Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà trẻ thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa; tăng cường dinh dưỡng, bổ sung đủ nước, vitamin…

Bệnh RSV thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có thể trạng sức khỏe tốt và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng như: sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xe máy tông vào xe cuốc, 2 thiếu niên nhập viện

Theo ATGT, ngày 31/3, theo nguồn tin của phóng viên Báo Giao thông, Công an huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đang điều tra, làm rõ vụ xe máy tông vào xe cuốc, khiến hai thiếu niên bị thương.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 20h30 ngày 29/3, N.G.P điều khiển xe máy chở theo V.V.K (cùng 15 tuổi, ngụ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đi từ thị trấn U Minh về xã Khánh Thuận.

Do chạy với tốc độ cao, nên khi đến trước phần đất của một hộ dân ở xã Khánh Thuận, xe máy do P mất lái tông vào xe cuốc (máy xúc) đang đào rãnh thoát nước bên đường.

Vụ va chạm khiến P và K bị thương được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Theo lãnh đạo Công an huyện U Minh, không có chuyện công an rượt đuổi khiến hai thiếu niên bị té xe như đồn đoán.

Cụ thể, tối 29/3, Tổ tuần tra an ninh trật trong lúc làm nhiệm vụ đã phát hiện P và K chạy xe máy ngược chiều trên đường.

Khi đó phương tiện của hai người này đã qua cầu thị trấn U Minh hướng về xã Khánh Thuận.

Lúc này, lực lượng chức năng phải điều khiển xe chuyên dụng đến ngã ba mới quay đầu xe chạy cùng chiều lại được.

Tuy nhiên, khi Tổ tuần tra quay đầu xe lại thì mất dấu hai thiếu niên này.

Hơn 15 phút sau, lực lượng chức năng tuần tra đến địa bàn xã Khánh Thuận, phát hiện hai thiếu niên trên bị tai nạn giao thông.

Trúc Chi (t/h)