Xã hội

Bản tin 12/10: Thông tin mới nhất vụ 30 em học sinh bị đau bụng

Thông tin mới nhất vụ 30 em học sinh bị đau bụng; Bệnh nhân 16 tuổi đột ngột sưng lợi, chẩn đoán ung thư máu...

Thông tin mới nhất vụ 30 em học sinh bị đau bụng

Hàng chục học sinh đau bụng, nôn ói sau bữa ăn bán trú ở trường. Ảnh: Báo Dân Trí.

Theo Giáo Dục Việt Nam, ngày 11/10, thông tin một số phụ huynh của Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4, Tp.Hồ Chí Minh cho biết, sau bữa ăn bán trú ngày 9/10, nhiều học sinh của trường bị đau bụng.

Cụ thể, phụ huynh lo lắng với tình trạng sức khỏe của học sinh, nên có phản ánh thông tin để nhà trường nắm được. Ngày 11/10, nhà trường đã có thông báo đến phụ huynh là sẽ tạm ngưng cung cấp suất ăn bán trú cho các em học sinh. Do đó, các phụ huynh chuẩn bị cơm trưa cho học sinh, còn các em vẫn ở lại trường để ngủ trưa. Bên cạnh đó, một số phụ huynh, quyết định đến trường đón con về nhà ăn, nghỉ trưa và chiều sẽ đưa con đến trường học tiếp.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Đoàn Bội Ngọc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 4, Tp.Hồ Chí Minh cho hay, có một số học sinh bị đau bụng sau khi ăn trưa ở trường vào ngày 9/10.

Theo đó, tối ngày 9/10 mới xuất hiện một số học sinh bị đau bụng, và tới ngày 10/10 cũng vẫn có thêm một số học sinh bị đau bụng nữa.

Đã có khoảng 30 học sinh trên tổng số hơn 1.100 học sinh của Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4 có triệu chứng bị đau bụng. Thế nhưng, ông Đoàn Bội Ngọc bác thông tin các em này bị các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, do tỉ lệ các em bị đau bụng là dưới 10% sĩ số học sinh của trường, không bị hàng loạt với số lượng nhiều.

Cũng theo ông Ngọc, đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường Trung học cơ sở Vân Đồn cũng cung cấp cho một số trường khác trên cùng địa bàn Quận 4 và khác quận nhưng trong ngày hôm ấy, học sinh tại các cơ sở này không xảy ra vấn đề gì.

Ngoài ra, ông Đoàn Bội Ngọc cho biết thêm, việc một số học sinh bị đau bụng có thể do nguyên nhân thể trạng của học sinh yếu, không tương thích với đồ ăn hôm đó của nhà cung cấp, nên mới xảy ra tình trạng này.

Học sinh hoàn toàn không phải đến bệnh viện, và hiện sức khỏe của các em bình thường, vẫn đi học như các bạn khác trong lớp.

Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 4 vẫn chỉ đạo nhà trường tiến hành theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của 30 học sinh nói trên.

Đột ngột sưng lợi, bệnh nhân 16 tuổi được chẩn đoán ung thư máu

Hai hàm của bệnh nhân sưng to.

Thông tin trên báo Hà Nội Mới, ngày 11/10, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo về mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe răng miệng với các bệnh lý trong cơ thể.

Theo đó, mới đây, khoa Răng - Hàm - Mặt của bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân 16 tuổi, được chuyển tuyến từ một bệnh viện ở miền Trung với chẩn đoán viêm lợi tối cấp hoại tử.

Trước đó, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, chưa từng mắc một bệnh nội khoa nào khác. Gần đây, bệnh nhân đột ngột khởi phát sưng lợi toàn bộ 2 hàm. Tổn thương tiến triển nhanh, người mệt mỏi, kèm theo sốt nhẹ 38 độ C. Bệnh nhân được nhập viện tỉnh điều trị, nhưng sau 5 ngày bệnh tình càng trầm trọng nên đã chuyển tuyến trung ương.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, sốt 38,5 độ C, miệng ngậm không kín, chỉ có 2 răng hàm chạm nhau. Lợi 2 hàm thâm nhiễm cực nặng, răng toàn bộ 2 hàm lung lay độ 2, 3.

Ngay lập tức, bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu cấp. Sau khi mời hội chẩn chuyên gia huyết học, bằng các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân được chẩn đoán leukemia cấp (ung thư máu cấp tính) và được chuyển điều trị theo đúng chuyên khoa.

Các bác sĩ cho biết, các biểu hiện bệnh lý trong khoang miệng vô cùng phong phú. Đây có thể là các biểu hiện của bệnh lý đơn thuần tại chỗ, nhưng cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm để chẩn đoán các bệnh lý toàn thân khác. Do đó, cần hết sức lưu ý để không bị bỏ sót tổn thương, đồng thời sớm có định hướng chẩn đoán phù hợp và khoa học.

Hà Nội phát hiện ổ dịch tay chân miệng trong trường

Ảnh minh họa.

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn CDC Hà Nội, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng tăng. Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.

Số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Riêng 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tăng lên khoảng 140 ca/tuần, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay lên 2.063 ca mắc (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, nhưng tỉ lệ sẽ thấp hơn đáng kể. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, bởi bệnh chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên.

Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa, nhất là vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ… Vì vậy, cha mẹ cần nắm được những cách phòng ngừa bệnh kịp thời, để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh gây tổn thương cho trẻ.

Hiện nay, không có vắc-xin phòng bệnh, tuy nhiên cha mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus gây bệnh tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau đây:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho trẻ nhỏ, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

- Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.

- Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.

- Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.

- Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.

- Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần nhập viện ngay lập tức.

- Cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng.

Trúc Chi (t/h)