Xã hội

Bản tin 11/8: Tuyệt đối không dùng kết quả học ngoại ngữ của học sinh lớp 1, 2 để xét lên lớp

Không dùng kết quả học ngoại ngữ của học sinh lớp 1, 2 để xét lên lớp; Bệnh tay chân miệng nguy hiểm như thế nào khiến 16 ca tử vong?...

Không dùng kết quả học ngoại ngữ của học sinh lớp 1, 2 để xét lên lớp

Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo Hà Nội Mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các địa phương tổ chức dạy học các môn ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1 và lớp 2; bắt buộc ở lớp 3, 4 và 5 phù hợp với thực tế và đáp ứng quy định, bảo đảm không gây quá tải với học sinh.

Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh trong việc được tiếp cận đa dạng các ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn tổ chức dạy học các môn ngoại ngữ 1 cấp tiểu học.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tổ chức dạy học các môn ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1 và lớp 2; bắt buộc ở lớp 3, 4 và 5 phù hợp với thực tế và đáp ứng quy định, bảo đảm không gây quá tải với học sinh.

Cụ thể, trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối với lớp 1 và lớp 2, căn cứ vào nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng về điều kiện bảo đảm, các nhà trường tổ chức lựa chọn môn ngoại ngữ 1 trong số các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Nhật hoặc tiếng Đức để giảng dạy.

Đặc biệt, khi thực hiện dạy học tự chọn ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2, các nhà trường cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3. Thời lượng dạy học ngoại ngữ ở lớp 1 và lớp 2 phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh. Các nhà trường chú trọng đánh giá thường xuyên để hỗ trợ học tập, không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp.

Đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5, các nhà trường tổ chức dạy học môn ngoại ngữ 1 bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lựa chọn một trong các môn ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai phù hợp với khả năng tổ chức của đơn vị, nhu cầu học sinh và của cha mẹ học sinh.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT khuyến khích các nhà trường thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại địa phương để tăng thời lượng và tạo môi trường đa dạng trong dạy học nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ.

Bệnh tay chân miệng nguy hiểm như thế nào khiến 16 ca tử vong?

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Báo Người Lao Động dẫn nguồn Bộ Y tế, theo thống kê mới nhất, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 49.006 ca mắc tay chân miệng, trong đó 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng có sự gia tăng.

Trước vấn đề các số ca tăng, các chuyên gia cho biết bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Tp.HCM có 21.000 ống thuốc điều trị tay chân miệng nặng sau hơn 2 năm gián đoạn
Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, có sự gia tăng tỉ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Đây là nguyên nhân khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

Theo nhận định của ngành y tế Tp.HCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và có thể kéo dài thêm 3 - 4 tháng nữa mới có thể lắng xuống. Đặc biệt, thời gian học sinh quay lại trường có thể trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng. Sở Y tế Tp.HCM khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não.

Bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra, còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…

Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bất cẩn va chạm với ô tô, người điều khiển xe máy tử vong

Hiện trường vụ tai nạn.

Sáng 10/8, tại khu vực giao nhau giữa lối ra cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và đường gom gần nút giao Đình Trám, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang xảy ra vụ tai nạn giao thông làm một người tử vong.

Thông tin ban đầu trên báo Bắc Giang, khoảng 11h ngày 10/8, tại khu vực trên, anh Vương Quốc T. (SN 1995) hộ khẩu thường trú ở thị trấn An Châu, Sơn Động điều khiển mô tô BKS 98AD - 032.00 va chạm với ô tô tải BKS 98C - 112.24 kéo theo rơ-moóc BKS 98R - 016.41 do anh Đỗ Đình Đại (SN 1986) ở xã Yên Mỹ, Lạng Giang, điều khiển.

Vụ tai nạn khiến anh T. tử vong tại chỗ, hai phương tiện hư hỏng. Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Công an huyện Việt Yên đã phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Trúc Chi (t/h)