Xã hội

Bản tin 11/4: Những đối tượng nào thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10?

Những đối tượng nào thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10?; Phẫu thuật khẩn cấp cứu bàn tay bị máy cắt nát...

Những đối tượng nào thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10?

Ảnh minh họa.

Theo Đài Truyền hình Hà Nội Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra quy định về đối tượng thuộc diện tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên vào lớp 10. Cụ thể, có 4 đối tượng được tuyển thẳng và 3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi vào lớp 10 THPT.

Tại kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại Hà Nội, có 4 đối tượng học sinh thuộc diện được tuyển thẳng theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Cụ thể, theo văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019, quy định bốn đối tượng được tuyển thẳng vào THPT, gồm: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Về đối tượng được cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Bộ GD&ĐT giao Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho 3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10.

Cụ thể là ba nhóm đối tượng sau:

Nhóm đối tượng 1: Con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên"; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Nhóm đối tượng 2: Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%".

Nhóm đối tượng 3: Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hà Nội và các tỉnh thành đã chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2024. Đa số địa phương tổ chức kỳ thi với ba môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến năm học 2024-2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10, tăng 5732 em so với năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dự kiến không thay đổi với khoảng 60-62%.

Phẫu thuật khẩn cấp cứu bàn tay bị máy cắt nát

Theo báo VTC News ngày 8/4, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận N.V.Q (46 tuổi), trú tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng bị máy cứa cắt vào cẳng tay trái, chảy nhiều máu.

Qua thăm khám bác sĩ xác định bệnh nhân có vết thương phức tạp, cẳng - bàn tay trái, tổn thương cơ, đứt gân, lóc da kích thức 10cm, gãy thành xương quay.

Bệnh nhân được cắt lọc, khâu nối gân bị đứt, cố định phần xương gãy. Sau phẫu thuật sức khỏe người bệnh ổn định.

Trước đó, ngày 2/4 Bệnh viện Bãi Cháy phẫu thuật thành công nối mạch máu, thần kinh, gân cơ cấp cho bệnh nhân L.T.N trú tại huyện Tiên Yên. Người này bị máy cắt vào cẳng chân phải, kèm theo chảy máu nhiều.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp tai nạn lao động do các vật sắc nhọn gây ra như máy cắt cỏ, máy cắt vật liệu xây dựng, máy thái rau lợn, máy cày, máy bừa.

Nhiều người bị các tổn thương nặng nề như vết thương bẩn, rộng, bờ nham nhở, phức tạp, vết thương bị khuyết hổng, các tổ chức bị dập nát, đứt rời thậm trí cụt tay, cụt chân. Dù không gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng tai nạn khiến bệnh nhân giảm khả năng lao động, gây bất tiện trong sinh hoạt. Đồng thời, nạn nhân nguy cơ mắc các loại bệnh khác (nhiễm trùng, uốn ván, hoại tử) nếu không được chăm sóc vết thương cẩn thận.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, người dân cần chú trọng nguyên tắc bảo hộ trong lao động, khi xảy ra tai nạn cần sơ cứu và chuyển đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí đúng và điều trị kịp thời.

Hiện trường xe máy nát bét sau khi va chạm với tàu hỏa

Phương tiện bị hư hỏng nghiêm trọng sau tai nạn.

Thông tin ban đầu trên báo VOV vào khoảng 12h00 ngày 10/4 trên đường sắt Bắc Nam đoạn qua trước số nhà 250 đường Ngọc Hồi, Thị trấn Văn Điển - Thanh Trì - Hà Nội xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và một xe máy khiến một người phụ nữ bị thương rất nặng.

Cụ thể, vào thời điểm trên, tàu HH84 mang theo đầu máy 908 hướng từ Thanh Trì đi ga Hà Nội va chạm với xe gắn máy mang BKS:29AB-826.86 do chị T.N.K.L (sinh năm: 2003, trú tại Minh Khai, thành phố Phủ Lý, Hà Nam) điều khiển.

Hậu quả, khiến chị T.N.K.L bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, xe gắn máy bị hư hỏng nghiêm trọng.

Hiện cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang điều tra nguyên nhân tai nạn.

Trúc Chi (t/h)