Xã hội

Bản tin 11/10: Lên phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Lên phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Thông tin mới nhất vụ tài xế buồn ngủ gây tai nạn khiến 13 người thương vong...

Lên phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo Nhân Dân, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chuẩn bị và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 phải bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy cao và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Để thực hiện hiệu quả, ngành giáo dục Thủ đô đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi năm 2024 và định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn kết trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, phòng Giáo dục và Đào tạo và trường trung học phổ thông trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi; tăng cường quán triệt quy chế và hướng dẫn thi tốt nghiệp; nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức các khâu của kỳ thi.

Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi. Phân tích, đánh giá và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản lý chuyên môn và tham mưu về chính sách dạy và học ở các cấp học, các cơ sở giáo dục. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi.

Thông tin mới nhất vụ tài xế buồn ngủ gây tai nạn khiến 13 người thương vong 

Hiện trường vụ tai nạn.

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 10/10, Công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Huân, SN 1994, trú huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để điều tra về hành vi gây tai nạn giao thông làm 1 người chết, 12 người bị thương.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trưa 8/10, Phạm Văn Huân điều khiển xe tải mang BKS 29H - 076.25 lưu thông trên đường tránh thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk hướng từ Gia Lai - Đắk Lắk.

Đến khoảng 13h30 ngày 8/10, khi xe tải đến đoạn đường thuộc Km13 + 800 đường tránh thị xã Buôn Hồ thì Huân buồn ngủ khiến xe lấn sang phần đường ngược chiều.

Xe tải đã tông vào xe chở khách du lịch loại 16 chỗ mang BKS 47F - 002.03, do anh Phạm Phú Quý, SN 1987, trú Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk điều khiển lưu thông hướng ngược lại.

Vụ tai nạn khiến anh L.Q.H. SN 1996, trú huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, hướng dẫn viên du lịch tử vong và nhiều người khác bị thương.

Đặc biệt, cú va chạm mạnh khiến xe khách 16 chỗ và xe tải bị hư hỏng nặng. Ngay sau đó, người dân và người đi đường phối hợp lực lượng chức năng đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

Xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non

Bệnh nhân đang được điều trị tại viện.

Theo số liệu trên báo Hà Nội Mới, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 đã tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Đặc biệt, hiện đã ghi nhận các ổ dịch tại trường mầm non, mẫu giáo…

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 29/9 đến 6/10), Hà Nội có thêm 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).

Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10-2023 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Cụ thể, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9-2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Ngoài ra, trong tuần (từ ngày 29/9 đến 6/10), thành phố cũng đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại 2 quận, huyện: Sóc Sơn và Đống Đa. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã có 47 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng. Đặc biệt, trong tuần qua, một số quận, huyện có số mắc tăng cao như: Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức… và đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo. Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.

CDC thành phố khuyến cáo, để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... Đồng thời, hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.

Các bậc phụ huynh không được chủ quan khi con mình mắc tay chân miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.

Trúc Chi (t/h)