Xã hội

Bản tin 1/11: Từ tháng 11/2023, hai chính sách quan trọng về giáo dục

Từ tháng 11/2023, hai chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực; Vụ tai nạn liên hoàn ở Lạng Sơn: Nạn nhân vào viện hoảng loạn, không nhớ nổi địa chỉ nhà...

Hai chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực 

Ảnh minh họa.

1. Tăng tỉ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 10/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT về Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Về số lượng thí sinh dự thi, thông tư mới tăng số lượng các đơn vị tối đa là 10 thí sinh; riêng Tp.HCM và Hà Nội 20 thí sinh. Quy định hiện hành, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi có tối đa 6 thí sinh, riêng đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh.

Thông tư mới cũng hướng dẫn tiếp tục duy trì tổ chức buổi thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế. Đối với Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thay việc tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bằng việc đề thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.

Đặc biệt, thông tư mới đã tăng tỉ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Như vậy, theo quy chế mới, tỉ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ tăng lên.

Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT quy định, học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT không đoạt giải vẫn được cấp Giấy chứng nhận sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia kỳ thi. Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 25/11/2023.

2. Chuyển đổi trường bán công, dân lập sang tư thục

Ngày 3/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 16/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2020/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường mầm non, phổ thông chưa thực hiện việc chuyển đổi phải thực hiên chuyển đổi theo quy định tại Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT trước ngày 30/6/2025 cụ thể:

Cụ thể, chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập.

Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thì phải hoàn thành việc chuyển đổi.

Thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT có quy định hồ sơ chuyển đổi trường mầm non, phổ thông bán công sang công lập bao gồm những giấy tờ như tờ trình xin chuyển đổi loại hình trường; đề án chuyển đổi loại hình trường; báo cáo kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, kiểm toán tài chính và hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất; danh sách trích ngang của cán bộ, viên chức trong biên chế, hợp đồng của trường chuyển đổi…

Thông tư 16/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 20/11/2023.

Vụ tai nạn liên hoàn ở Lạng Sơn: Nạn nhân vào viện hoảng loạn, không nhớ nổi địa chỉ nhà

Nạn nhân trong vụ tai nạn đang được điều trị tại viện.

Thông tin trên báo Vietnamnet, nhiều nạn nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở Hữu Lũng, Lạng Sơn, khi được đưa tới bệnh viện cấp cứu rất hoảng loạn, không nhớ nổi địa chỉ nhà để báo bác sĩ ghi bệnh án.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, cho hay hiện 6 nạn nhân vụ tai nạn ở Hữu Lũng đã được ra viện hoặc chuyển tuyến.

Cụ thể, 6 nạn nhân này được đưa tới viện lúc khoảng 3h sáng (tức là sau gần 1 giờ vụ tai nạn xảy ra). Theo đánh giá sơ bộ từ các bác sĩ, thời điểm nhập viện, hầu hết bệnh nhân bị thương nhẹ, tỉnh táo.

“Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân rất hoảng loạn. Khi bác sĩ hỏi tên tuổi, địa chỉ nhà để ghi hồ sơ bệnh án, họ không nhớ nổi mình ở đâu, chỉ nhớ ở Quảng Ninh”, bác sĩ Lâm chia sẻ. Một giờ sau khi vào viện, các nạn nhân dần trấn tĩnh, ổn định tâm lý trở lại.

Trong số này, có 3 nạn nhân chỉ trầy xước nhẹ, sau khi ổn định sức khỏe đã ra viện. Hai bệnh nhân khác cũng không có nhiều thương tổn, được gia đình từ Quảng Ninh lên đón về nhà lúc 7-8h sáng.

Bệnh nhân còn lại là nữ, ca nặng nhất trong 6 nạn nhân, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng.

“Bệnh nhân bị gãy 3-4 xương sườn, nhưng không quá nặng nề. Khi vào viện, bệnh nhân thể hiện bị đau ngực nhưng khó kêu thành lời. Đặc biệt, tinh thần của bệnh nhân ban đầu khá hoảng loạn, sau đó dần ổn định”, ông Lâm nói.

Theo nguyện vọng của bệnh nhân và gia đình, nữ bệnh nhân này được chuyển xuống Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) lúc 12h để tiếp tục điều trị. Chồng bà là ông V.C.T, 60 tuổi, ban đầu được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, sau đó cũng được chuyển tới Việt Đức lúc 10h45 sáng ngày 31/10.

Người đàn ông này là nạn nhân bị thương nặng nhất trong số 4 người còn sống được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng.

“Với 3 người còn lại, 2 người đã được người thân đón về nhà ở Quảng Ninh. Hiện Trung tâm chỉ còn 1 bệnh nhân đang điều trị”, ông Nguyễn Thế Độ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng nói.

Bệnh nhân này là nữ, đã được khâu vết thương ở mặt, mổ xương bánh chè (nằm trong hệ thống duỗi đầu gối, che chở mặt trước khớp gối), chấn động não… cần phải theo dõi, điều trị tiếp.

Trong 2 bệnh nhân đã ra viện, một người đàn ông đứt gân tay. "Sau khi mổ cấp cứu xong, bệnh nhân này đã ngay lập tức xin ra viện về lo hậu sự cho vợ", bác sĩ Độ cho biết.

Hơn 1 tháng điều trị cứu trẻ bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Ảnh minh họa.

Theo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An mới tiếp nhận và điều trị thành công cho bé gái V.T.N.T. (4,5 tuổi, trú tại Con Cuông) mắc bệnh Whitmore - Vi khuẩn ăn thịt người.

Khai thác tiền sử bệnh gia đình bệnh nhân cho biết, từ ngày 14/9, bé gái sốt cao 39 độ C, sốt theo cơn, kèm sưng đau vùng mang tai hai bên. Bé được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nam. Sau 7 ngày điều trị tích cực nhưng bệnh vẫn không đỡ và diễn biến ngày càng nặng. Ngày 24/9, bé được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám và điều trị.

Bệnh nhi nhập viện với tình trạng sốt cao kéo dài, sưng đau vùng mang tai hai bên đã 10 ngày. Sau khi nhập viện, bệnh nhi được chẩn đoán: Viêm tấy lan toả vùng mang tai hai bên, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.

Các bác sĩ xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Whitmore (thường được gọi với tên "Vi khuẩn ăn thịt người"). Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.

Bệnh nhân được điều trị tích cực theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore, dẫn lưu mủ tại chỗ, nâng cao thể trạng. Sau 1 tháng điều trị, bé đã khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng sau này.

Đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn bệnh Whitmore phát triển. Các bác sĩ khuyến cáo, những người làm việc, tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Đặc biệt, những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm.

Nếu không may bị nhiễm bẩn cần rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô. Khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh thì phải đến ngay cơ sở y tế để được làm xét nghiệm phát hiện vi khuẩn sớm và dùng kháng sinh phù hợp.

Whitmore là căn bệnh hiện chưa có vaccine tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó, người dân phải chủ động biện pháp phòng tránh, không được chủ quan với bệnh này.

Trúc Chi (t/h)