Xã hội

Bản tin 1/1: Hà Nội có số thí sinh dự kỳ thi HSG quốc gia đông nhất

Hà Nội có số thí sinh dự kỳ thi HSG quốc gia đông nhất từ trước đến nay; Xe bất ngờ bị lật, tài xế cùng xe tải chìm sâu dưới lòng hồ...

Hà Nội có số thí sinh dự kỳ thi HSG quốc gia đông nhất từ trước đến nay

Ảnh minh họa.

Theo Pháp luật Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội mới có buổi gặp mặt các đội tuyển học sinh giỏi thành phố tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024.

234 học sinh đến từ 12 đội tuyển gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga.

Đây là những học sinh đã xuất sắc vượt qua 2 vòng thi do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức với 1.188 thí sinh, trở thành đại diện tiêu biểu nhất của học sinh cấp THPT toàn TP Hà Nội.

Trong số các học sinh đội tuyển năm nay, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 128 học sinh; Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 51 học sinh; Trường THPT Chu Văn An có 40 học sinh; Trường THPT Sơn Tây có 9 học sinh.Các Trường THPT Phùng Khắc Khoan -Thạch Thất; Nguyễn Gia Thiều, Minh Quang, Quang Trung - Hà Đông; Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân; Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, mỗi trường có 1 học sinh.

Nhắc lại những thành tích của học sinh thành phố trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế những năm vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, năm nay, số lượng thành viên các đội tuyển Hà Nội là 234 em, nhiều nhất từ trước đến nay.

Để học sinh đạt thành tích cao, xứng đáng với vị thế của giáo dục Thủ đô, ông Trần Thế Cương mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo và các em học sinh tiếp tục trau dồi kiến thức, không được tự bằng lòng với những những gì mình đã có và được thầy cô trang bị.

"Đề nghị các em học sinh không ngừng học hỏi, nỗ lực. Kể cả trước ngày lên đường, những băn khoăn, các em mạnh dạn trao đổi với bạn, với thầy cô. Tuy nhiên, việc học ôn và tự luyện phải song hành với chế độ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ, sự tự tin cần thiết để sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao tri thức", người đứng đầu ngành Giáo dục Thủ đô nhắn nhủ.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 5/1 và 6/1/2024. Nội dung đề thi năm nay sẽ theo Chương trình giáo dục THPT 2006 và hướng dẫn thực hiện chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT.

Nhiều trẻ mắc cúm A, tăng số ca biến chứng

Ảnh minh họa.

Theo Công An Nhân Dân, hai tuần trở lại đây, trẻ em nhập viện do mắc cúm A gia tăng. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình có khoảng 50-70 ca mắc cúm A điều trị nội trú, chiếm 1/2-1/3 số trẻ điều trị tại Trung tâm. Đặc biệt, tại đây ghi nhận nhiều ca biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, phải thở oxy, có ca suy hô hấp phải thở máy.

Thời tiết thay đổi, nhiệt độ nắng ấm, sau đó giảm sâu, rét đậm, rét hại khiến cho virus và vi khuẩn có cơ hội phát triển. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho nhiều trẻ cúm A biến chứng nặng. Theo chị Nguyễn Thị Mơ (Hà Tĩnh), con gái chị vốn có bệnh viêm da cơ địa, nhiễm trùng huyết. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện tỉnh, cháu bị lây chéo cúm A. Chỉ sau một đêm sốt cao, bệnh tình của cháu tăng nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây cháu được chẩn đoán mắc cúm A biến chứng nặng trên nền viêm da cơ địa, nhiễm trùng huyết.

Nằm ngay giường bên cạnh là bệnh nhi 2 tuổi sau khi sốt cao, gia đình chỉ nghĩ con bị viêm phế quản nên cho đi khám ở bệnh viện tuyến dưới. Tới khi con có hiện tượng ho nhiều, thở khò khè, gia đình mới đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương thì cháu bé đã viêm phổi do biến chứng của cúm A và phải thở oxy.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở trẻ em, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy. Tại đây cũng đã điều trị cho bệnh nhi viêm não do biến chứng của cúm A.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H1N1, A/H3N2. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Vì vậy, thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều ổ cúm A trong trường học do học sinh lây nhau. Các bệnh viện của Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều ca cúm A đến khám khi bệnh nhi sốt cao, ho nhiều, khó thở…

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, với trẻ không có bệnh nền, hoặc không có các bội nhiễm vi khuẩn khác kèm theo, thông thường các triệu chứng cúm A sẽ giảm sau khoảng 3 ngày, sau 5 ngày sẽ hồi phục hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường. Chỉ một số ít trường hợp có cơ địa bệnh nền sẽ tăng nặng lên khi mắc cúm. Hoặc trẻ mắc cúm nhưng có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do bội nhiễm vi khuẩn, hoặc một số trường hợp tổn thương thần kinh trung ương như viêm não thì sẽ tăng nặng.

Triệu chứng của cúm A rất khó phân biệt với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Để nhận biết trẻ có phải mắc cúm A hay không, theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ thấy các dấu hiệu sau phải test cúm cho con: Đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; cảm thấy mệt mỏi; đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Theo BS Nguyễn Văn Lâm, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu, cơ địa béo phì nếu bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, viêm cơ tim, gia tăng nguy cơ tử vong. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. BS Lâm cũng lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực hoặc đau cơ dữ dội; tím môi và đau chi, tay chân lạnh; li bì, mệt mỏi, phải đưa trẻ đến bệnh viện…

Miền Bắc đang bước vào mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất, bù đủ nước; giữ ấm cơ thể… “Phụ huynh cần lưu ý tiêm vaccine là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo lá chắn bảo vệ trẻ khỏi cúm A, B cũng như nhiều bệnh lý khác, nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường”, BS Lâm khuyến cáo.

Xe bất ngờ bị lật, tài xế cùng xe tải chìm sâu dưới lòng hồ

Hiện trường vụ tai nạn.

Theo Người Lao Động, trưa 31/12 ông Hoàng Văn Xoái, Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết lực lượng cứu hộ cứu nạn đang khẩn trương tìm kiếm tài xế gặp nạn và trục vớt xe ôtô bị lật, chìm xuống lòng hồ thủy điện sông Chảy 6.

Trước đó, khoảng 10h30 ngày 30/12, xe tải BKS 24C-03xx do tài xế V.V.T. SN 1993, trú tại Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, điều khiển lưu thông trên tỉnh lộ 177, khi đi đến đoạn thôn Cốc Soọc, xã Thèn Phàng, đã bất ngờ bị lật rơi xuống lòng hồ thủy điện sông Chảy 6.

Nhận được thông tin, Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với công an huyện Xín Mần huy động lực lượng, tổ chức tìm kiếm người gặp nạn, tiến hành trục vớt xe tải chìm dưới lòng hồ.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã xác định được vị trí của ôtô bị nạn, tuy nhiên, do lòng hồ sâu nên chưa thể trục vớt xe.

Được biết, lòng hồ thủy điện sông Chảy 6 dài khoảng 3 km, rộng khoảng 200 m và lượng nước lớn, rất sâu nên công tác tìm kiếm cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trúc Chi (t/h)