Xã hội

Bản tin 10/5: 19 sinh viên cấp cứu trong đêm do ngộ độc tập thể

19 sinh viên ở Tp.HCM nhập viện do ngộ độc thực phẩm tập thể; Sẽ xử lý việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc trang phục có huy hiệu nhạy cảm biểu diễn...

Tp.HCM: 19 sinh viên ở  nhập viện do ngộ độc thực phẩm tập thể

Ký túc xá Đại học quốc gia có 19 trường hợp nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Theo VOV Sở Y tế Tp.HCM vừa thông tin về 19 sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia Tp.HCM phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, từ lúc 21h30 phút ngày 8/5 đến 14h30 phút ngày 9/5/2024, Trạm Y tế Trung tâm Quản lý Ký túc xá Đại học quốc gia đã tiếp nhận 19 trường hợp sinh viên có các triệu chứng mệt, đau bụng, nôn ói, đi tiêu lỏng sau khi ăn tối tại nhà ăn của trường.

Trạm Y tế đã thực hiện khám và chuyển sinh viên đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Tất cả sinh viên được nhập viện để khám, xét nghiệm và theo dõi điều trị.

Ngay sau khi nhận được báo cáo của bệnh viện, Sở Y tế Tp.HCM chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC) khẩn trương phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ và can thiệp theo quy trình xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Thông tin điều tra ban đầu ghi nhận 19 sinh viên, có độ tuổi trung bình là 20, đều ngụ tại ký túc xá Đại học Quốc gia, ở các phòng, dãy khác nhau.

Các sinh viên này đều ăn tối ở Căn tin B4 Ký túc xá khu B. Sau khi ăn khoảng 2-3 giờ thì xuất hiện triệu chứng mệt, đau bụng, nôn ói, sau đó có tiêu lỏng.

Theo Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, hiện tình trạng sức khỏe của 19 sinh viên đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.

Bước đầu, tổ công tác nhận định đây là một trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể. HCDC cùng với Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức và Sở An toàn thực phẩm đang tiếp tục tiến hành điều tra, xác định nguồn gốc gây ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, Tp.Thủ Đức cũng ghi nhận 16 học sinh tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm. Ngày 2/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng đã có báo cáo Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm cùng các đơn vị liên quan về vụ việc này.

Sở Y tế Tp.HCM cảnh báo, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đường ruột, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao. Vì vậy, cần lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, những hàng quán lề đường cũng như tại chính mỗi gia đình. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục các biện pháp điều tra, giám sát vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến những trường hợp nêu trên.

Sẽ xử lý việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc trang phục có huy hiệu nhạy cảm biểu diễn

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc trang phục có huy hiệu nhạy cảm biểu diễn.

Theo Tổ Quốc, liên quan đến sự việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc trang phục có huy hiệu nhạy cảm biểu diễn tại đêm nhạc "Ngày em thắp sao trời" diễn ra tối ngày 4/5 ở Tp.HCM, ông Lâm Ngô Hoàng Anh- Chánh Văn phòng Sở VHTT Tp.HCM cho biết, Sở đã tiến hành mời các tổ chức, cá nhân, đơn vị để làm việc về nội dung phản ánh, thu thập hiện vật liên quan.

Tại cuộc họp, Đại diện Công ty TNHH Tiếng Hát Việt - đơn vị tổ chức chương trình đã có báo cáo cụ thể về quá trình chuẩn bị, công tác tổ chức.

Nhà thiết kế cũng như ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) đã tường trình về thiết kế trang phục cho đêm diễn, trong đó bộ trang phục theo phản ánh nêu trên được sử dụng trong 04 bài hát.

Theo như nội dung tường trình thì bộ trang phục và các phụ kiện chỉ mang tính chất trang trí, tạo hiệu ứng về mỹ thuật, không nhằm mục đích gì khác.

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh cũng cho hay, đại diện Công TNHH Tiếng Hát Việt, ông Huỳnh Minh Hưng, nhà thiết kế đã tiếp thu ý kiến phản ánh của báo chí, ý kiến của đại diện các cơ quan có liên quan trong cuộc họp và sẽ rút kinh nghiệm trong các show diễn tiếp theo.

Về phía Sở VHTT đã có biên bản ghi nhận các ý kiến của đại diện cho các cơ quan liên quan dự họp cũng như các nội dung phản hồi của Công TNHH Tiếng Hát Việt, ông Huỳnh Minh Hưng và nhà thiết kế; đồng thời Sở cũng đã nhắc nhở, đề nghị các đơn vị tổ chức sự kiện, các cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, nhận thức, chú ý đến vấn đề trang phục, hình thức trình bày tránh gây phản cảm và có tác động tiêu cực đến dư luận xã hội.

Về phương án xử lý, đại diện Sở VHTT cho rằng, để có căn cứ cho việc đề ra giải pháp xử lý phù hợp, Sở sẽ mời một số chuyên gia về các lĩnh vực có liên quan, để cho ý kiến thẩm định. Sau khi có kết luận, sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được công nhận nếu đảm bảo chất lượng

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có thông tin về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng các kỳ thi và quyền lợi của người dự thi.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. Theo kết quả thanh tra, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT tạo cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ, Thông tư số 11 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn số 889 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Như vậy, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Bộ GD&ĐT cho biết thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam có địa chỉ quận 3, Tp.HCM.

Theo kết luận, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, Công ty IDP chưa được cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại điều 21 và điều 22, điều 23 Nghị định 86/2018/NĐCP.

Tuy nhiên Công ty IDP đã liên kết tổ chức 458 đợt thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ.

Giai đoạn từ ngày 10/9/2022 đến ngày 16/11/2022, công ty chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam theo thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, tuy nhiên Công ty IDP đã tổ chức 97 đợt thi và cấp 9.587 chứng chỉ.

Trúc Chi (t/h)