Xã hội

Bản tin 10/3: Bộ GD&ĐT cấm giáo viên dạy thêm học sinh của chính mình

Bộ GD&ĐT cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình; Hà Nội sẽ khảo sát, đưa các quán trà đá vào trong ngõ...

Cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình

Ảnh báo Tiền Phong.

Theo báo Tiền Phong, trả lời kiến nghị của cử tri về việc sửa đổi thay thế thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, về dạy thêm, học thêm trong các cấp học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.

Sau khi luật Sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực.

Bộ GD&ĐT khẳng định các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm.

Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định lại, về các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, Thông tư số 17 đã quy định: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Bộ GD&ĐT cũng nhắc lại quy định về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục đã được quy định rõ trong Thông tư số 17. Cụ thể: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Đồng thời trách nhiệm của Sở GD&ĐT là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của UBND cấp tỉnh; chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GD&ĐT khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.

Các hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thực hiện theo Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư số 32/2020.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm đảm bảo phù hợp cho việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Hà Nội sẽ khảo sát, đưa các quán trà đá vào trong ngõ

Với các quán trà đá vỉa hè, tùy tình hình thực tế các địa phương, nếu sắp xếp gọn gàng được sẽ đưa vào các ngõ, ngách. Ảnh: Báo VTC News.

Theo VTC News, chiều 9/3, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội thông tin về đợt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn.

Đại tá Hải cho biết, Công an thành phố cũng chuẩn bị một số giải pháp tham mưu cho Ban Chỉ đạo 197. Trong đó, những hộ kinh doanh trà đá cũng sẽ được khảo sát, xây dựng cụ thể giải pháp cho họ vào trong các ngõ, nếu có điều kiện.

Ngoài ra, cơ quan chức năng duy trì thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân, phải hình thành các khái niệm cho người dân rằng "vỉa hè không phải nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện". Lãnh đạo Công an thành phố cho biết, sẽ tham mưu cho thành phố sắp xếp lại các chợ cóc, người dân phải vào chợ chính, bởi hiện tại có thực trạng người dân ngại vào trong chợ.

Liên quan đến các phương tiện dừng đỗ, Đại tá Hải cũng đề xuất thành phố sắp xếp lại, quy hoạch lại điểm đỗ. Đây là nội dung được làm thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh những địa phương làm tốt công tác dẹp vỉa hè, ông Hải cũng chỉ ra việc một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt.

"Có nơi làm, có nơi bỏ trống, có nơi quyết liệt, có nơi còn thụ động dẫn đến thực trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh một số quận huyện để cùng vào cuộc", Đại tá Dương Đức Hải nhấn mạnh.

Theo Đại tá Hải, trong đợt vào cuộc này, Công an thành phố là đơn vị tham mưu chính với phương châm phân công trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ chức năng, rõ nhiệm vụ và rõ cả người chịu trách nhiệm. Từ đó, các đơn vị sẽ xem xét trách nhiệm những đơn vị làm tốt, chỗ làm không tốt.

Để không xảy ra tình trạng có quận làm, có quận lại không, ông Hải cho biết, UBND thành phố đã lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp xuống tận nơi quay phim, chụp ảnh để đánh giá trách nhiệm từng địa phương.

Theo ông Hải, các đơn vị chức năng đã chia ra 3 giai đoạn giành lại vỉa hè.

Ở giai đoạn 1, kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.

Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.

Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 - 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Sập bờ taluy đè tử vong thợ hồ ở Đà Lạt

Hiện trường bờ taluy sập.

Thông tin trên Công An Nhân Dân khoảng 10h30 ngày 9/3, tại một công trình xây dựng nhà ở trên đường Ngô Thì Sĩ, Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng đã xảy ra sập bờ taluy đè lên ông Ngô Văn Giang quê huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ở trọ đường Hà Huy Tập, Tp.Đà Lạt khiến nạn nhân tử vong.

Thời điểm trên, ông G. cùng một số người khác đang dọn dẹp khu vực công trường xây dựng (móng nhà) cho gia đình ông N.H.T thì bất ngờ bờ taluy đất cao khoảng 3m kề đó đổ ập xuống phía dưới. Ông G. bị một lượng lớn đất đè lên người.

Do không xác định được chính xác vị trí nạn nhân bị đất vùi lấp nên khi xảy ra sự việc, một người đã sử dụng máy múc cào đất lên để tìm kiếm ông G. thì múc trúng đầu nạn nhân.

Ngay khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã tới phong tỏa hiện trường, tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm trên.

Trúc Chi (t/h)