Tiêu dùng & Dư luận

Bán thông tin người dùng, Facebook bị điều tra hình sự

Nhiều cơ quan lập pháp liên bang Mỹ đang tiến hành các bước truy tố hình sự các tội danh của Facebook, liên quan chủ yếu tới việc mua bán dữ liệu người dùng với nhiều đối tác công nghệ khác.

Facebook bị truy tố hình sự

Nhiều cơ quan lập pháp liên bang Mỹ đang tiến hành các bước truy tố hình sự các tội danh của Facebook, liên quan chủ yếu tới việc mua bán dữ liệu người dùng với nhiều đối tác công nghệ khác. Mọi nỗ lực điều tra đều đang được đẩy mạnh để làm rõ diễn biến dưới tay gã khổng lồ mạng xã hội dính nhiều scandal này, kể cả khi đã 1 năm trôi qua từ lúc vụ việc đầu tiên dậy sóng.

Theo New York Times, họ đã được nghe tiết lộ từ nguồn tin mật ẩn danh rằng New York mới đây đã mở một hội đồng để cùng nghiên cứu, lật lại các hồ sơ, trong đó dính líu đến thêm 2 thương hiệu smartphone rất lớn và có sức ảnh hưởng trên thị trường. Được biết, 2 cái tên này đều là những đối tác của Facebook và được cấp quyền truy cập dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng để tiện phục vụ các nhu cầu riêng.

Facebook đang bị nhiều cơ quan lập pháp liên bang Mỹ tiến hành các bước truy tố hình sự

"Chúng tôi đang phối hợp với nhà điều tra một cách nghiêm túc", một phát ngôn viên của Facebook nói với Business Insider. "Chúng tôi đã cung cấp lời khai công khai, trả lời các câu hỏi và cam kết sẽ tiếp tục làm như vậy".

Tháng 12 năm ngoái, New York Times cũng là tờ báo đưa tin Facebook đã để công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft truy cập tên tất cả bạn bè của người dùng mà chưa có sự đồng ý. Cũng trong bài báo đó, New York Times cho biết Facebook cũng cho Amazon thu thập tên và thông tin liên hệ của một người cụ thể thông qua bạn bè, hay cho Yahoo xem luồng bài đăng của bạn bè gần đây. Nguy hiểm hơn, Spotify và Netflix còn có thể xem tin nhắn của hàng triệu tài khoản Facebook.

Giải thích về điều này, Facebook cho biết mối quan hệ đối tác này là cần thiết để kích hoạt một số tính năng xã hội nhất định trong các ứng dụng bên ngoài, như đăng nhập vào tài khoản Facebook từ điện thoại, Windows hoặc chia sẻ bài hát Spotify mà người dùng đang nghe qua Facebook  Messenger.

"Để rõ ràng, không có thỏa thuận hay tính năng nào cho phép các công ty truy cập thông tin mà không có sự đồng ý của mọi người. Họ cũng không vi phạm thỏa thuận năm 2012 của chúng tôi với FTC", Facebook viết.

Không biết rõ liệu khi nào một phiên xét xử sẽ được mở ra và thông báo một cách công khai, nhưng hiện Facebook lại đang bị rà soát và điều tra ráo riết bởi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và các cơ quan khác. Cả bộ phận giải quyết lừa đảo của Bộ Tư pháp cũng đã vào cuộc cùng.

Thông tin điều tra hình sự xuất hiện trong lúc Facebook đang vật lộn để khôi phục hình ảnh của mình trước công chúng, sau một loạt scandal rò rỉ dữ liệu cá nhân của người dùng cũng như truyền bá thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Facebook đã phải đối mặt với nguy cơ nộp phạt hàng tỷ USD để giải quyết các cáo buộc về quyền riêng tư của Ủy ban Thương mại Liên bang và các cơ quan khác. Tuy nhiên, điều tra hình sự sẽ làm tình hình thêm phần căng thẳng.

Bán dữ liệu người dùng chứ không cho không?

Theo Wall Street Journal, các tài liệu nội bộ của Facebook đã chỉ ra mạng xã hội lớn nhất thế giới từng xem xét việc bán quyền truy cập vào dữ liệu người dùng cho các nhà phát triển bên thứ ba.

Tại buổi điều trần trước quốc hội diễn ra vào tháng 4/2018, CEO Mark Zuckerberg khẳng định “chúng tôi không bán dữ liệu”. Tuy nhiên theo The Verge, những tài liệu được thu thập gần đây cho thấy Facebook đã xem xét việc này khi công ty phải vật lộn để tạo doanh thu sau khi IPO vào khoảng năm 2012-2014.

CEO Facebook Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Nghị viện châu Âu.

Trong một email được phát hiện, một nhân viên đã đề nghị tắt khả năng truy cập dữ liệu của nhà phát triển bên thứ ba trừ khi các công ty "trả 250.000 USDđể duy trì quyền truy cập”.

Ở một email khác, nhân viên Facebook đã nói về cuộc đàm phán “chiến lược” với Amazon để tránh “những trao đổi thất vọng” về việc có ít quyền truy cập dữ liệu trong tương lai. Chưa hết, Ngân hàng Hoàng gia Canada cũng đã trao đổi về việc giới hạn quyền truy cập dữ liệu và nhận được phản hồi từ nhân viên Facebook hỏi về số tiền ngân hàng này có thể chi trả cho quảng cáo.

Tại thời điểm đó, các nhà phát triển bên thứ ba không chỉ xem được dữ liệu của người dùng tương tác với ứng dụng mà còn cả bạn bè của họ. Facebook nhận ra rằng công ty đang cho đi nhiều dữ liệu có giá trị trong khi không thu về được bất cứ lợi nhuận nào từ việc đó.

Từ 23h ngày 13/3, một sự cố kỹ thuật xảy ra khiến người dùng và các nhà quảng cáo không thể truy cập Facebook trong nhiều giờ. Sự cố lần này được đánh giá là lâu nhất và trên diện rộng nhất, khi kéo dài hơn 8 giờ. Theo BBC, lần gần nhất Facebook bị "sập" với quy mô rộng toàn cầu và lâu như thế này đã là từ năm 2008, nhưng khi đó họ chỉ có 150 triệu thành viên, còn hiện số người dùng Facebook hàng tháng lên tới 2,3 tỷ. Facebook đã lên tiếng thông qua Twitter, khẳng định "vấn đề không liên quan tới tấn công từ chối dịch vụ DDoS" và đang nỗ lực khắc phục sớm nhất có thể.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)