Xu hướng thị trường

Bán sắt vụn thu về 200-300 tỷ mỗi năm, chuẩn bị lên sàn thành “hàng hot”

Trong ngày 27/4, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận thêm 1 tân binh trong ngành thép. Đó là cổ phiếu của công ty Cổ phần Gang thép Hà Nội (UpCOM: HSV).

Nhóm cổ phiếu ngành thép đang là một trong những mã cố phiếu được quan tâm nhất hiện nay. Nhóm ngành này đã có mức tăng trưởng trên 40% trong năm 2020 và tiếp tục tăng giá từ đầu năm tới nay.

Mới đây, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định chấp thuận cho công ty Cổ phần Gang thép Hà Nội đăng ký giao dịch 5 triệu cổ phiếu trên sàn UpCOM với mã chứng khoán HSV.

Việc công ty Cổ phần Gang thép Hà Nội đăng ký giao dịch trên UpCOM vào thời điểm này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp có thể thu hút các nhà đầu tư. Dòng tiền đã và đang có xu hướng đổ vào các cổ phiếu ngành thép như công ty Cổ phần tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG), công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG)...

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp Luật, công ty Cổ phần Gang thép Hà Nội được thành lập vào ngày 8/11/2013 với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng do 109 cổ đông sở hữu.

Trong cơ cấu ban lãnh đạo, ông Nguyễn Văn Quân - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là cổ đông lớn duy nhất của công ty, tỷ lệ sở hữu 13% vốn cổ phần.

Ông Nguyễn Mậu Hoàng - Chủ tịch HĐQT công ty nắm giữ 40.000 cổ phần, tương đương 0,8% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Mậu Hoàng hiện tại kiêm nhiệm Trưởng phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp của công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng.

 Gang thép Hà Nội hoạt động sản xuất kinh doanh chính hiện tại là bán buôn phế liệu, kim loại, phi kim loại.

Ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp này là buôn bán phế liệu, kim loại, phi kim loại. Bên cạnh đó, chuyên nhập khẩu các các loại sắt thép phế liệu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp sau đó phân phối trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất gang thép trên toàn quốc như: Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên, công ty Cổ phần Gang thép Nghi Sơn, công ty TNHH TM & DV Bắc Việt Green, công ty Tân Hoàng Linh, công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSteel…

Công ty hiện đang có 2 kho chuyên thu gom, tập hợp các loại phế liệu kim loại dưới hình thức kho thuê gồm: Kho bãi tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) với diện tích 700 m2; Kho tại cảng chứa hàng hóa sắt thép phế liệu tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Sau niêm yết, Gang thép Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt 330 tỷ.

Trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp này những năm gần đây, doanh thu dao động từ 200 - 300 tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận chỉ dao động ở con số 2 - 3 tỷ đồng. Riêng năm 2018, công ty lỗ thuần 475 triệu đồng.

Tổng tài sản cũng tăng mạnh qua từng năm, từ 26 tỷ đồng năm 2018 lên 77 tỷ đồng năm 2020.

Sau niêm yết, Gang thép Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt 330 tỷ, lãi sau thuế tương ứng là 3,5 tỷ, lần lượt tăng trưởng 2,5% và 40,5% so với năm 2020.

Trong năm 2021, HSV dự kiến sẽ triển khai dự án nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất đếp đáp ứng đủ các nhu cầu và đơn đặt hàng của các đối tác.

Theo một số nghiên cứu và đánh giá gần đây, giá cổ phiếu sắt thép sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới khi mà nhu cầu tiếp tục gia tăng và giá thép nguyên liệu trên thế giới đang tăng cao.

Đặc biệt, năm 2021, giá thép cuộn cán nóng kỳ vọng duy trì ở mức cao khi Trung Quốc và Úc tiếp tục căng thẳng thương mại, gây sức ép lên nguồn cung quặng sắt. Cùng với đó, nhiều quốc gia trên thế giới liên tục đưa ra các gói kích thích kinh tế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sắt thép cho lĩnh vực công nghiệp và xây dựng bất động sản.

SSI Research trong báo cáo nhận định ngành thép năm 2021 cũng cho rằng, nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công.

Tuy nhiên, hiện nay giá đầu vào nguyên vật liệu sản xuất thép là quặng sắt cũng tăng cao cùng với sự khan hiếm của nguồn cung nguyên liệu. Yếu tố này sẽ ảnh hưởng kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh thép thành phẩm, đặc biệt nhiều doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Vì vậy, nguồn sắt thép phế liệu được đánh giá là một mặt hang thay thế cho quặng sắt được nhiều doanh nghiệp sản xuất thép sử dụng.