Pháp luật

Băn khoăn đề xuất cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi ghế trước ô tô

Đây là đề xuất mới của bộ Công an trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần 5 vừa được Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho ý kiến.

Dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Đáng chú ý, dự thảo có quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m không được ngồi ghế phía trước ôtô.

Cụ thể tại khoản 4, Điều 7 nêu rõ: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m được chở trên ôtô không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Nhật… các nghiên cứu chỉ ra khi có tai nạn, người thể lực thấp, bé khi ngồi ở ghế phụ phía trước có nguy cơ cao đập thẳng đầu vào taplô của ôtô, dẫn đến chấn thương não. Ngoài ra, đối với các xe có túi khí an toàn, khi có va chạm túi khí sẽ bật ra với lực lớn, nhóm người này sẽ hứng trọn lực tác động vào vùng mặt, đầu.

Nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Thân Văn Thanh cho rằng, đề xuất trên khi đi vào thực thi có thể gây tranh cãi giữa tài xế và cơ quan chức năng. Ông Thanh phân tích quy định hiện nay đối với các em dưới 12 tuổi không có chứng minh nhân dân, việc chứng minh độ tuổi sẽ phải mang theo giấy khai sinh với kích thước lớn. Đồng thời lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ cũng cần trang bị thêm các công cụ đo chiều cao các em. Điều này phát sinh nhiều thủ tục, phiền hà. Theo ông Thanh, cơ quan quản lý cần tính toán kỹ khi thực thi nếu không có thể dẫn tới tình trạng tranh cãi, máy móc.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, đề xuất cấm trẻ em dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế phía trước ô tô của bộ Công an đang gây nên nhiều sự băn khoăn cho giới chuyên gia và người dân trong xã hội. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam lại lấy độ tuổi 12 hoặc chiều cao 1,35m, đâu là cơ sở khoa học? Theo đó, ban dự thảo cần tham khảo kinh nghiệm những nước đi trước để báo cáo Quốc hội xử lý những vấn đề kỹ thuật trên thực tế phát sinh như: Lấy gì để chứng minh độ tuổi và chiều cao chính xác trong quá trình kiểm tra, xử lý?

Trao đổi vưới PV, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nêu băn khoăn, trẻ dưới 12 tuổi chắc chắn chưa có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Vậy nên khi ngồi trên xe bắt buộc phải mang theo giấy khai sinh để trình báo (nếu cần). Đồng thời, việc không có dụng cụ đo chiều cao cũng khiến việc xác định chiều cao chính xác của trẻ rất khó khăn. Điều này có thể tạo ra tranh cãi không đáng có giữa hai bên. Ở nước ngoài họ chỉ quy định đối với chiều cao chứ không quy định với độ tuổi, vì sự phát triển của mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau. Điều này được khuyến cáo trực tiếp trong hướng dẫn sử dụng xe hơi cho người sử dụng ô tô.

 

 N.Giang