Góc nhìn luật gia

Ban hành văn bản làm khó doanh nghiệp: Xử mãi vẫn còn tồn tại

Mặc dù cơ quan chức năng đã lỗ lực kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều văn bản sai quy định, nhưng văn bản sai vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Một việc nhiều cách hiểu      

Vừa qua, ngày 25/6, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp". Trước tình trạng ban hành các văn bản kém chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh khiến cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần nâng cao hơn về việc kiểm soát các văn bản và chế tài đối với văn bản tồi.

Cụ thể, tình trạng được các doanh nghiệp đưa ra như việc công nhận sản phẩm tương đương là cơ chế chung được áp dụng, nhưng cùng một sản phẩm ở Việt Nam lại có cách quản lý khác nhau. Hơn nữa, tình trạng văn bản ban hành chậm và rất chậm, mặc dù không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng không có công văn trả lời là các thủ tục "đứng lại hết". Nhiều công văn trả lời "hiểu sao cũng được", hoặc khó áp dụng…

Tại hội thảo trực tuyến, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho hay, vẫn còn tình trạng thông tư ban hành cả điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong khi các nội dung này nằm ở luật, nghị định. Có thông tư chưa thống nhất với nghị định hoặc quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng.

Với các công văn dù không phải văn bản quy phạm pháp luật, ông Tuấn đánh giá đang có nhiều công văn có nội dung mang tính chất như quy định. Đơn cử như công văn 8909 của bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành để hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư trong khi nghị định 31 hướng dẫn Luật đầu tư chưa được ban hành là "có vấn đề" về thẩm quyền, khiến một số địa phương lo ngại khi thực hiện gặp khó khăn, tạo hệ lụy lớn về mặt pháp lý, gây thiệt hại và rủi ro cho doanh nghiệp.

Một số công văn giải thích quy định chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp vẫn phải áp dụng, như việc áp dụng mã HS cho hàng nhập khẩu; hoặc có công văn trả lời việc áp dụng pháp luật không đi thẳng vấn đề mà trích dẫn quy định để doanh nghiệp tự hiểu và áp dụng, gây nên khó khăn trong thực thi pháp luật.

Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp".

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: “Thời gian qua, Cục đã kiến nghị xử lý nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa đúng của các bộ ngành, địa phương".

Cụ thể, năm 2018, cơ quan này đã kiến nghị xử lý 84 văn bản (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản cấp tỉnh), năm 2019 kiến nghị xử lý 165 văn bản (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh), năm 2020 kiến nghị xử lý 68 văn bản (6 văn bản cấp bộ và 62 văn bản cấp tỉnh)... có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

Vị lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, theo quy định của Chính phủ, cơ quan đã ban hành văn bản phải có trách nhiệm bãi bỏ nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trước vấn đề này, bộ Tư pháp cũng đã có cơ chế, Cục kiểm tra căn bản quy phạm pháp luật cũng đã nỗ lực, cố gắng, sát sao trong công tác quản lý, ngoài ra cũng đã kiểm tra và xử lý rất nhiều những trường hợp vi phạm tuy nhiên, không tránh khỏi những văn bản sai vẫn còn tồn tại. Theo ông Ba: “Vấn đề trên cũng trọng tâm của ngành Tư pháp, thời gian tới Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiếp tục rà soát, hạn chế tối đã những văn bản kém chất lượng, xử phạt những văn bản sai quy định”.

Văn bản kém chất lượng: Chế tài chưa đủ nặng

Dưới góc nhìn của luật sư, ông Nghiêm Quang Vinh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận việc các cơ quan nhà nước ban hành các văn bản sai sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể yêu cầu các cơ quan ban hành văn bản không đúng quy định dẫn đến thiệt hại cho các đơn vị doanh nghiệp.

Về chế tài xử lý tình trạng này, theo Luật sư Vinh, cũng có quy định về việc xử phạt, nhưng còn quá nhẹ và không đủ sức răn đe. "Hậu quả của việc này gây tôn thất thường là rất lớn, cần phải đưa ra tòa án để giải quyết, còn xử phạt hành chính theo quy định hiện tại chưa đủ nặng để có thể ngăn chặn được tình trạng những văn bản sai quy định hiện nay", vị Luật sư nhìn nhận. 

"Đơn vị ra văn bản sai đồng nghĩa với nó là việc các cơ quán đó gây khó dễ cho cho các đơn vị. Đây là trách nhiệm công vụ. Cho nên, hiện nay các doanh nghiệp kiến nghị có thêm chế tài là đúng, và các đơn vị quản lý cần phải thực hiện kiểm soát một cách chặt chẽ để tránh việc tổn thất không đáng có cho những đơn vị liên quan", ông Vinh cho hay.

Còn theo ông Đồng Ngọc Ba, việc "Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật" (văn bản cấp bộ và văn bản của chính quyền địa phương) hiện nay được quy định tại Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/5/2016.

Cụ thể, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả của nội dung trái pháp luật gây ra đối với xã hội và trên cơ sở tính chất, mức độ lỗi của cơ quan, người đã ban hành, tham mưu ban hành văn bản đó.

Việc xem xét trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân được thực hiện như sau: Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật.

Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.