Tiêu điểm thế giới

Bắn hạ máy bay không người lái của Iran, ông Trump "nổ phát súng" đầu tiên: Nguy cơ chiến tranh?

Mỹ bất ngờ có động thái quân sự đầu tiên chống lại Iran bằng việc bắn hạ một máy bay không người lái của nước này. Phải chăng chiến tranh đã không thể cứu vãn?

Mỹ vừa có hành động quân sự đầu tiên với Iran.

Căng thẳng vùng Vịnh bùng phát trở lại hôm 18/7, khi Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái Iran đến gần tàu hải quân nước này trong lúc tiến vào eo biển Hormuz.

Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ chủ động va chạm quân sự với Iran sau một loạt các sự cố ngày càng nghiêm trọng kéo dài vài tháng qua, theo AFP.

Ông Trump nói rằng, tàu đổ bộ tấn công USS Boxer đã thực hiện hành động phòng vệ, tung hỏa lựa vào máy bay không người lái của Iran vì nó đe dọa sự an toàn của con tàu và thủy thủ đoàn.

Máy bay không người lái Iran đã bị phá hủy ngay lập tức sau khi nó tiếp cận trong phạm vi 1000m của tàu Boxer.

Tổng thống Mỹ gọi đây là “hành động mới nhất trong nhiều hành động khiêu khích và thù địch của Iran, chống lại các tàu hoạt động trong vùng biển quốc tế”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif  nói với các phóng viên rằng, ông không có thông tin gì về việc nước này mất một máy bay không người lái.

Cuộc va chạm mới nhất giữa Mỹ và Iran diễn ra sau khi Tehran bảo vệ hành động bắt giữ một tàu chở dầu nước ngoài treo cờ Panama, cùng 12 thành viên thủy thủ đoàn, với cáo buộc buôn lậu nhiên liệu hồi cuối tuần trước.

“Tàu này đang trên đường vận chuyển nhiên liệu lậu nhận được từ các tàu của Iran gửi cho các tàu nước ngoài thì bị chặn lại”, trang web của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cho biết.

Hành động quân sự đầu tiên của Mỹ

Vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ diễn ra sau một loạt các cuộc công kích cấp thấp trong khu vực đổ lỗi cho lực lượng của Tehran, bao gồm cáo buộc tấn công tàu chở dầu và hậu thuẫn cho các lực lượng ở Syria và Yemen.

Vào tháng 5, Lầu Năm Góc tuyên bố triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và một lực lượng đặc nhiệm ném bom đến vùng biển gần Iran để đáp trả các dấu hiệu của mối đe dọa đến từ quốc gia Hồi giáo.

Tehran đã bắn hạ một máy bay không người lái trinh sát của Mỹ hồi tháng 6, khiến Tổng thống Trump đã tính đến chuyện ra lệnh không kích chống lại Iran. Nhưng ông đã rút lại quyết định vào phút cuối, cho rằng kế hoạch này sẽ gây ra thương vong quá lớn.

Vào ngày 4 /7, Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu Iran gần Gibraltar, được cho là hướng tới Syria và vi phạm lệnh trừng phạt.

Iran bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động trên. Một tuần sau đó, các tàu vũ trang của Iran đã gây áp lực với một tàu chở dầu của Anh ở vùng Vịnh và chỉ bỏ đi khi tàu khu trục của hải quân Anh đến can thiệp.

Điều này dẫn đến việc Mỹ kêu gọi một đội tàu quốc tế hộ tống các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz.

Tổng thống Trump vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán với Iran.

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Trung Kenneth McKenzie hôm 18/7 đã cam kết sẽ nỗ lực cùng với các đối tác để đảm bảo tự do hàng hải trong vùng Vịnh.

Xung đột rộng hơn

Các sự cố nói trên đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực liên quan đến Mỹ và các đồng minh ở khu vực vùng Vịnh, nơi gần 1/3 lượng dầu của thế giới được vận chuyển.

Nó cũng xuất hiện trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 có nguy cơ tan vỡ, với việc Washington liên tục áp dụng các biện pháp trừng phạt làm suy yếu kinh tế đối với Tehran một năm sau khi đơn phương từ bỏ thỏa thuận.

Đầu tháng này, Tehran đã vượt qua giới hạn của thỏa thuận về làm giàu uranium, nhằm gây áp lực cho các bên khác - Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc – làm việc với Mỹ để xóa bỏ lệnh trừng phạt và bảo vệ lợi ích kinh tế của Iran, như những gì nước này cam kết trong thỏa thuận trước đó.

Hôm 17/7, tại Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Iran Zarif đã cáo buộc Washington tiến hành “khủng bố kinh tế” đối với quốc gia của ông.

Cửa mở cho đàm phán?

Tuy nhiên, cả Mỹ và Iran vẫn tiếp tục mở cửa khả năng đàm phán và khó có khả năng dẫn đến chiến tranh như những nhận định trước đó.

Tờ The Guardian hôm 18/7 cho biết, Ngoại trưởng Zarif nói rằng, ông đã đưa ra một thỏa thuận mới để tăng cường kiểm tra chương trình hạt nhân của Iran nếu Washington đồng ý gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Tổng thống Trump dường như cũng cho thấy thiện chí về khả năng đàm phán.

Ông nói với các phóng viên rằng, áp lực đối với Iran đã buộc nước này phải giảm các hoạt động trong khu vực và cho rằng điều đó có thể dẫn đến các cuộc thương thảo.

“Họ đang rút lui nhưng không phải vì họ quý mến chúng tôi. Họ nhường bước vì họ không có tiền”, ông Trump nói.

“Tất cả những gì chúng tôi muốn làm là có một thỏa thuận công bằng. Thỏa thuận trước đó từng thực hiện là một thỏa thuận tồi tệ”, ông nói thêm. “Chúng tôi có thể làm một cái gì đó nhanh chóng hoặc có thể cứ từ từ. Tôi không vội vàng”.