Hồ sơ điều tra

Bản án cao nhất cho kẻ sát hại anh rể vì sợ bị giành mất nhà

Quá trình chung sống, giữa Thanh và anh rể nhiều lần mâu thuẫn vì Thanh nghĩ anh rể tranh giành tài sản với mình. Sợ bị chiếm mất nhà, Thanh chém anh rể tử vong.

Án mạng đêm mùng 3 Tết

Phạm Ngọc Thanh, sinh năm 1978, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM là là đối tượng có nhiều tiền án, phải nhiều lần vào tù về các tội khác nhau. Cụ thể: năm 2000, Thanh từng bị tuyên án tù về tội Cướp giật tài sản. Ra tù chưa lâu, Thanh tiếp tục đi trộm cắp tài sản và lại bị bắt. Năm 2007, Thanh lại bị tòa tuyên án tù về hành vi trộm cắp.

Chấp hành xong án phạt tù về tội Trộm cắp tài sản, Thanh trở về nhà mình tại đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM sinh sống. Cùng chung sống với Thanh có cha mẹ và 1 người chị gái. Thời gian sau, chị gái Thanh lấy chồng là anh Lê Phước L..

Sau khi lấy chồng, chị gái của Thanh không ra ở riêng mà sống cùng nhà với cha mẹ và Thanh. Anh L. ở rể với vợ và các con của mình. Quá trình chung sống, giữa Thanh và anh L. nhiều lần xảy ra mâu thuẫn nhưng sau đó đều làm lành, mạnh ai nấy sống.

Tuy nhiên, cả hai không hòa hợp được mãi khi Thanh luôn nghi ngờ anh L. đang tìm cách để giành căn nhà đang sống chung với mình. Vì suy nghĩ này nên Thanh nuôi ý định sẽ giết anh L. cho yên chuyện.

Bị cáo Thanh là thủ phạm gây ra cái chết cho anh rể.

Đêm mùng 3 Tết Canh Tý (tức ngày 27/1/2020), Thanh vào bếp lấy 1 con dao chặt thịt đi thẳng lên lầu một rồi vào phòng của vợ chồng chị gái. Lúc này, trong phòng chỉ có anh L. đang ngồi dưới nền nhà xem tivi. Thanh giấu con dao, tiến về phía anh L. và bất ngờ dùng dao tấn công vào vùng cổ của anh L.. Nạn nhân giơ tay lên đỡ nhưng Thanh điên cuồng tấn công khiến anh L. gục xuống tại chỗ và tử vong do bị chém nhiều nhát chí mạng.

Đối tượng Thanh bị bắt ngay sau đó và bị khởi tố về tội Giết người. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Thanh khai nguyên nhân gây án là do nghĩ anh L. đang tìm cách tranh dành ngôi nhà với Thanh.

Nhận mức án cao nhất

Gần 9 tháng kể từ lúc gây án, Thanh bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử về tội Giết người. Đối diện với mức ình phạt lên đến tử hình, Thanh nhiều lần tỏ ra run sợ. Thanh cũng bày tỏ thái độ hối hận, mong được hưởng tình tiết giảm nhẹ để không bị mức an cao nhất.

Bị cáo Thanh khai rằng, khi sống chung nhà với cha mẹ và chị gia đình chị gái, Thanh luôn luôn nghĩ mình là con trai nên sẽ được thừa hưởng tài sản là căn nhà của cha mẹ. Nhưng Thanh nghi ngờ anh L. tìm cách giành căn nhà này với Thanh nên bị cáo tìm cách giành lại cho mình.

Nói về hành vi tàn độc khi chém anh L. nhiều nhát, Thanh biện minh rằng do đã sử dụng ma túy, không kiểm soát được hành vi của mình nên mới gây ra điều đáng tiếc. Tại phiên tòa, Thanh cũng nhiều lần tỏ ra ngờ nghệch, tỏ thái độ không hiểu HĐXX đang nói gì.

Giết người dã man, bị cáo Thanh không còn cơ hội làm lại cuộc đời.

Luật sư bào chữa cho Thanh cho biết, trong một thời gian dài, Thanh có nhiều biểu hiện của người không bình thường, hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi. Từ đó, luật sư đề nghị cần xem xét lại tình trạng tinh thần của bị cáo, tránh việc kết án mà chưa xem xét đến năng lực hành vi của bị cáo sẽ gây bất thời cho thân chủ của mình.

Thực hành công tố tại tòa, đại diện VKS cho rằng, hành vi phạm tội của Thanh là đáng lên án nên cần có mức án tương xứng. Tuy nhiên, đại diện VKS cũng cân nhắc, xem xét nhiều tình tiết làm căn cứ để đề nghị giảm cho Thanh một phần hình phạt. Sau khi cân nhắc, đại diện VKS chỉ đề nghị tòa tuyên bị cáo Thanh án chung thân.

Nghe VKS không đề nghị tử hình mình, sắc mặt Thanh bớt chút căng thẳng. Thanh gửi lời cảm ơn đến luật sư đã nhiệt tình bào chữa cho mình. Cũng tại tòa, Thanh gửi lời xin lỗi đến gia đình, chị gái và các cháu con anh L., mong được mọi người tha thứ. Thanh không quên xin tòa cho mình một con đường sống khi nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

Tuy nhiên, sự hối hận của Thanh và những cân nhắc của VKS về các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho Thanh không được HĐXX chấp nhận. HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của Thanh là quá dã man, thể hiện sự coi thường pháp luật, tính mạng người khác nên không thể tha thứ.

Đại diện VKS đề nghị tuyên Thanh án chung thân và luật sư nói cần xem xét lại tình trạng tinh thần của bị cáo nhưng HĐXX cho rằng không có cơ sở chấp nhận. Bị cáo phạm tội quá nghiêm trọng nên cần tuyên mức án cáo nhất, cao hơn mức mà VKS đề nghị mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.

Xét bị cáo không còn khả năng cải tạo để trở thành người tốt, cần loại bỏ bị cáo vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Từ các nhận định trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Thanh mức án tử hình.

Bản án vừa tuyên, Thanh như muốn ngã quỵ. Còn người thân của Thanh thì khóc lớn khi Thanh bị áp giải rời khỏi phòng xử án…