Giáo dục

Khai bút đầu xuân: Nét cổ truyền ghi dấu thời gian

Khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa cổ truyền của Việt Nam. Theo quan niệm của cha ông, việc khai bút tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò cả nước.

Khai bút xưa và nay

Người Việt quan niệm cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Khai bút tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò cả nước.

Khai bút đầu năm không phải nghi lễ bắt buộc phải thực hiện trong ngày Tết nhưng trong tiềm thức người Việt, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, được giữ gìn cho đến tận ngày nay.

Từ xưa, thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.

Khi xưa chỉ có những thầy đồ, học sĩ mới thực hiện nghi thức khai bút (ảnh minh họa).

Ngày nay nghi thức này đã trở nên phổ biến hơn, các nghi thức cũng trở nên đơn giản bớt trang trọng. Từ các học sinh, các nhà văn nhà thơ và những người làm nghề viết lách, ai cũng đều chọn ngày để khai bút. Ai cũng muốn mở đầu năm mới bằng những nét đẹp ý hay. Khai bút không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.

Các em học sinh khai bút đầu xuân (ảnh minh họa).

Thông thường thì lễ khai bút sẽ được thực hiện vào thời điểm sau giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để thực hiện nghi lễ. Hiện nay tục khai bút không còn bó buộc trong ngày đầu tiên của năm mới, phần lớn các bạn học sinh hiện nay sẽ khai bút vào những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ hoặc ngày đầu khai xuân trên trường.

Khai bút nên viết gì?

Theo quan niệm dân gian, những chữ  “khai bút đầu xuân” phải do mình tự nghĩ ra, chứ không nên sao chép của người khác. Đó có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, nó cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử…

Tuy nhiên với một số người muốn những lời viết ra đầu năm có nhiều ý nghĩa thì họ thường chọn những câu thơ, câu danh ngôn hay tạo động lực cho bản thân sẽ củng cố thêm niềm tin và bản lĩnh cho bạn đứng trước khó khăn thử thách.

Học sinh thường có suy nghĩ rằng, nếu đầu năm khai bút chữ đẹp thì cả năm việc học sẽ gặp thuận lợi, nếu chữ xấu, cẩu thả thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Vì thế, trước khi khai bút, các bạn hãy xác định trước xem mình nên viết những gì, dài hay ngắn…

Nếu đầu năm khai bút chữ đẹp thì cả năm việc học sẽ gặp thuận lợi (ảnh minh họa).

Khai bút không chỉ tượng trưng cho một năm may mắn, cát tường mà còn gửi gắm trong đó tâm tư nguyện vọng tốt đẹp, như ý mà ý nghĩa tinh thần, giá trị quan trọng hàng đầu của việc khai bút luôn được đề cao truyền thống hiếu học. Rất nhiều bậc phụ huynh chú trọng việc nhắc nhở con em mình khai bút đầu năm, hướng về cội nguồn, truyền thống và cầu chúc một năm mới học hành tấn tới, gặp nhiều may mắn.

Khai bút đầu xuân, từ lâu đã trở thành một phong tục vừa mang ý nghĩa linh thiêng, vừa thể hiện truyền thống hiếu học của các học sĩ, học giả mỗi khi bước sang năm mới. Vì thế, trước khi khai bút, các bạn hãy xác định trước xem mình nên viết những gì để có thể mở đầu một năm mới như ý, tốt đẹp.

Lễ hội khai bút đầu xuân của các em học sinh (ảnh minh họa).

Bá Di (Tổng hợp)