Sức khỏe

Bác sĩ tư vấn: Làm gì khi bị hóc xương?

Một cụ bà 68 tuổi ở miền Tây bị hóc xương heo 3 cạnh ở thực quản, ê-kíp bác sĩ đã tiến hành nội soi lấy thành công dị vật chỉ trong 10 phút.

10 phút nội soi lấy dị vật

Ngày 12/4, thông tin từ Bs.CK2 Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa nội soi vừa can thiệp  thành công lấy dị vật xương heo 3 cạnh cho cụ bà L.K.T., 68 tuổi, ngụ Ninh Kiều, TP.Cần Thơ bị hóc ở thực quản.

Cụ bà T. nhập viện bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 13h30 ngày 10/4 trong tình trạng đau nhiều, nuốt khó, sưng đỏ vùng cổ.

Các bác sĩ đang tiến hành nội soi cho bệnh nhân.

Theo tìm hiểu, chiều 9/4, bệnh nhân ăn súp xương bị mắc xương heo, bệnh nhân cố khạc ra nhưng không hiệu quả. Đến sáng 10/4, bệnh nhân uống khó, cổ đau nhiều nên đến khám tại y tế địa phương và được nội soi bằng ống soi cứng nhưng không tìm thấy dị vật.

Bệnh nhân T. lậy tức được đưa đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để khám và điều trị.

Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân T. được chụp X-quang cột sống cổ 2 tư thế (thẳng- nghiêng) để xác định vị trí dị vật và nội soi thực quản ống mềm lấy dị vật gây tê do Bs.Thạch Thành Tây - Khoa Nội soi thực hiện.

Ngay cơ thắt thực quản trên, thấy dị vật xương heo dạng nhọn 3 cạnh. Chỉ trong 10 phút, các bác sĩ đã dùng kiềm gắp thành công dị vật, đồng thời kiểm tra có vết sướt thực quản do dị vật.

Tình trạng sức khỏe hiện tại, bệnh nhân không sốt, hết đau cổ, nuốt không đau, không vướng.

Dị vật lấy ra sau nội soi.

Làm gì khi bị hóc xương?

Theo Bs.CK2 Bồ Kim Phương - Trưởng khoa Nội tiêu hoá huyết học: Dị vật thực quản là một cấp cứu rất thường gặp trong quá trình ăn uống. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ lớn.

Nếu phát hiện sớm xử trí kịp thời, ít gặp nguy hiểm nhưng nếu phát hiện muộn xử trí rất phức tạp, có thể nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân

Dị vật thực quản ngày càng phổ biến và đa dạng. Các loại dị vật thường gặp là: xương động vật như xương cá, xương gà, xương vịt…hoặc các loại quả, hạt như hạt hồng xiêm, hạt vải. Các dị vật có nguồn gốc vô cơ thường gặp là đồng xu, khuy áo, răng giả...

Tuỳ theo dị vật mà thương tổn thực quản khác nhau; các dị vật như xương cá, gà, heo…dễ gây viêm tấy, áp xe thực quản.

Bệnh nhân T. ổn định sau nội soi.

Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi… Với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong do biến chứng của dị vật gây ra còn  cao. Thường nhất là xương động vật (cá, gia cầm, lợn...).

Xương động vật ngày thứ hai trở đi đã có thể gây áp xe trung thất, xương nhọn có thể xuyên thủng động mạch lớn, đều là biến chứng nguy hiểm. Dị vật đường ăn gây ra áp xe cạnh cổ, áp xe trung thất do thủng thực quản thậm chí gây ra thủng động mạch chủ gây  tử vong.

Cũng theo bác sĩ Phương, khi bị hóc dị vật  cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí lấy dị vật càng sớm càng tốt, tránh chữa bằng mẹo.

Để phòng ngừa hóc dị vật thực quản, mọi người cần thận trọng khi ăn uống, nhai kỹ, không nên ăn uống vội vàng. Không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn. Đối với trẻ nhỏ tránh không đưa vật lạ vào miệng.

Thanh Lâm