Bác sĩ tát bé trai 22 tháng tuổi: Khi lương y “bị ốm”

Lương y dù bị ốm (do thời tiết, do người bệnh…) thì vẫn là lương y, riêng người bỏ quên y đức thì chẳng bao giờ xứng đáng với chức danh bác sĩ!

Gửi bác sĩ Hải, chủ phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, người tát đỏ mặt bé trai 22 tháng tuổi!

Sáng nay, nghe “hội bà tám” ở cơ quan bàn tán sôi nổi về một vị bác sĩ nào đó thẳng tay tát bệnh nhi, tôi bấm bụng: “Chắc gì người này đã là bác sĩ!”. Bởi dù ngành y năm qua có kha khá chuyện ồn ào, tôi vẫn dành tình cảm tốt đẹp nhất cho các thiên thần áo trắng.

Đáng tiếc đấy không phải tin đồn thất thiệt, bố đẻ em bé và chính bác sĩ đã lên tiếng xác nhận vụ việc. Đến đây, tôi lại đoán rằng đằng sau hành động trái ngược với những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc là một lý do hết sức kinh khủng. Nhưng trái lại, mọi chuyện bắt nguồn từ việc cỏn con: Cháu bé bị sặc nước, phun dịch vào mặt bác sĩ trong quá trình khám bệnh. Do đó bác sĩ đã tát vào mặt để bé “không thế nữa”.

Bé trai 22 tháng tuổi bị bác sĩ tát đỏ mặt, hằn ngón tay. 

Bác sĩ đã khẳng định với báo chí rằng mình là người điều trị cho bệnh nhi có tâm, luôn coi các bệnh nhi là bạn. Đoạn tự sự này có thể khiến nhiều người biết tới vụ việc hoài nghi nhưng lại trở nên vô cùng hợp lý nếu đặt bên cạnh chia sẻ của ông tổ trưởng tổ dân phố số 8 (nơi đặt phòng khám) với báo chí.

Theo đó, phòng khám của bác sĩ đã mở được hai năm nay, có khá đông bệnh nhân, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh xa đến điều trị. Về cơ bản thì muốn làm được điều này, người thầy thuốc ngoài (được tiếng) giỏi chuyên môn còn phải tận tâm, gắn bó với nghề.

Ngay cả người bố trong câu chuyện trên còn cho biết anh đã đưa con mình đến phòng khám của bác sĩ Hải suốt 30 ngày dù bệnh không hề thuyên giảm. Chắc chắn chi phí khám chữa bệnh tại đây không phải yếu tố quyết định sự kiên trì của người nhà bệnh nhân. Bởi số tiền 500.000 đồng phải thanh toán ở lần khám đầu tiên và 300.000 đồng ở mỗi lần khám tiếp theo cho thấy gia đình em bé đã phải bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ.

Bạn tôi nói, nếu bố em bé dễ dàng bỏ qua những vết hằn ngón tay trên má con mình và chấp nhận lời xin lỗi của bác sĩ, hoặc thông tin về cái tát “lỡ tay”, “không cố ý” của bác sĩ không xuất hiện ở thời điểm dư luận đang hết sức phẫn nộ vì hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em thì sự việc đã không ầm ĩ như bây giờ.

Tôi cũng sẽ đồng tình với quan điểm đó, nếu bác sĩ không giải thích thêm rằng: "Dịch của cháu đã bắn vào mặt tôi. Hôm nay tôi đã bị ốm”.

Một đứa bé mới 22 tháng tuổi nào đã đủ tế nhị và kiến thức để biết rằng mình không nên “biu-ti-phun” (kể cả bị sặc) khi bác sĩ quên đeo khẩu trang y tế? Hơn nữa, dù hành vi của bệnh nhi gây phiền toái đến đâu cũng không đáng phải nhận một cú vả đầy hậm hực như vậy. Người trưởng thành chẳng ai chấp nhặt trẻ con, chứ nói gì đến việc “ăn miếng trả miếng” với một cậu bé ốm yếu, không có khả năng kháng cự.

Trong lá thư này tôi sẽ không yêu cầu bác sĩ đặt mình vào vị trí của người nhà bệnh nhân và tưởng tượng ra cảnh con mình bị bác sĩ tát đỏ mặt vì đã quá nhiều người “gợi ý” việc này.  Chỉ muốn nhắc nhở rằng lương y dù bị ốm (do thời tiết, do người bệnh…) thì vẫn là lương y, riêng người bỏ quên y đức thì không bao giờ xứng đáng với chức danh bác sĩ!

Thân ái,

Một người bố