Sức khỏe

Bác sĩ chỉ ra sai lầm trong cách cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông chẳng khác nào làm hại họ

Theo bác sĩ, sai lầm thường gặp nhất, cũng là phản xạ tự nhiên của nhiều người khi thấy người bị nạn, đó là lập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện vì cho rằng nên đưa vào viện càng nhanh, càng tốt.

Sai lầm nguy hại khi lập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện

Thời gian vừa qua liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm khiến nhiều người chết và bị thương. Mới đây nhất là vụ xe tải đâm vào đoàn người đi đám tang ở Hải Dương làm 8 người tử vong, nhiều người khác bị thương.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương khiến 16 người thương vong.

BS Nguyễn Tiến Văn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương (bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) thông tin với Dân trí, trong số các ca bệnh được đưa đến cấp cứu, một số trường hợp sơ cứu sai cách, do người dân thấy người bị nạn, chảy máu là nôn nóng đưa đến viện sớm nhất.

"Sai lầm thường gặp nhất, cũng là phản xạ tự nhiên của nhiều người khi thấy người bị nạn, đó là lập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện vì cho rằng nên đưa vào viện càng nhanh, càng tốt. Trong khi đó, với một số trường hợp như gãy chi lại không được nẹp giữ hay gãy cột sống không được cố định là một sai lầm nghiêm trọng, khiến nạn nhân càng thương tổn nặng nề hơn, dẫn đến bị liệt toàn thân, thậm chí dẫn tới tử vong", BS Văn nói.

Trong thực tế điều trị, đã có những trường hợp bị chết oan chỉ vì do cách khiêng lên cáng, lên ô tô không đúng phương pháp của người thân, của cộng đồng.

Sơ cứu đúng cách, kịp thời sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh, giảm nguy cơ tổn thương thêm. Đôi khi những cách sơ cứu dù đơn giản lại có thể giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.

Như với người bị tai nạn giao thông mà vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được, đừng dại chở ngay người bệnh đến viện, mà hãy để bệnh nhân nằm nghỉ để theo dõi nhịp thở.

Còn khi bị gãy xương (thường là bị gãy cẳng chân, tay), triệu chứng rõ nhất là đau và có khả năng mất vận động bên bị gãy. Triệu chứng tại chỗ là sưng, tím, thậm chí những chỗ gãy hở còn thòi cả xương.

Lúc này, không nên có những tác động vào vết gãy, vì tất cả những can thiệp đó có thể làm cho xương bị di lệch thêm. Tuyệt đối không kéo, nắn xương cho bệnh nhân.

Hãy đặt bệnh nhân ở tư thế nằm và nên nẹp tạm thời chỗ xương gãy lại, dù có thể không biết nẹp đúng quy cách, nhưng sẽ hạn chế di động của xương và để người bệnh đỡ đau, sau đó đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

Còn trong trường hợp thấy người bệnh chảy máu, hãy cầm máu cho bệnh nhân trước khi đưa tới viện, bằng cách lấy một cục bông đè mạnh vào vết thương - động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

Với bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm nhưng phải thận trọng trong nhấc bệnh nhân lên cáng, tuyệt đối không bế xốc bổng, bế gập người lại, mà cần 2 - 3 người, người giữ phần đầu vai, người vùng chân, người giữ vùng lưng để di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng nhất.

Trong mọi trường hợp khi sơ cứu, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải móc ngay ra. Nếu người bệnh không thở được thì phải hô hấp nhân tạo. Muốn hạn chế tình trạng suy hô hấp thì nên đặt bệnh nhân nằm đầu cao. Nếu bệnh nhân bị huyết áp thấp, hoặc bệnh nhân có bệnh sọ não cần lưu ý không nên đặt nằm ở tư thế đầu quá cao.

Khi gặp tai nạn có nhiều người thương vong cần phải làm gì?

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Dương Đình Toàn - Viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Việt Đức cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người dân khi chứng kiến tai nạn ô tô có nhiều người thương vong để cứu được nhiều người trước khi đội cứu hộ có mặt.

Đứng trước tình cảnh có nhiều người thương vong trong một vụ tai nạn ô tô hay những thảm họa khác, trước hết cần phải bình tĩnh, tìm cách tiếp cận hiện trường và tiến hành khẩn trương những công việc có tính tuần tự sau đây:

Gọi cấp cứu 115 nơi gần nhất

Khi gọi cho trung tâm cấp cứu 115, cố gắng mô tả chi tiết, chính xác địa chỉ nơi xảy ra tai nạn.

Khi gọi cho trung tâm cấp cứu 115, cố gắng mô tả chi tiết, chính xác địa chỉ nơi xảy ra tai nạn; sơ bộ có bao nhiêu người thương vong tại hiện trường; tình trạng của các nạn nhân ra sao… Không được tắt điện thoại cho đến khi cấp cứu 115 có mặt.

Đặt cảnh báo

Sau khi gọi 115, ngay lập tức đặt biển cảnh báo để tránh các cuộc va chạm của xe khác với hiện trường, đặc biệt là khi tai nạn xảy ra vào ban đêm. Đặt biển cảnh báo xa hiện trường tai nạn. Nếu bạn đi ô tô hoặc xe máy, hãy đỗ xe bên lề đường, tắt máy (điều này rất quan trọng, phòng cháy nổ tại hiện trường) và bật đèn nhấp nháy làm cảnh báo. Không sử dụng xe của bạn như một rào chắn.

Tiếp cận hiện trường

Khi tiếp cận hiện trường, tìm và cảnh báo những mối nguy hiểm như dây điện rơi, kính vỡ, xăng tràn, xe tiếp tục lăn… để đảm bảo an toàn cho bạn, nạn nhân, cũng như những người cứu hộ. Nếu bạn đang hút thuốc lá, phải dập tắt thuốc lá trước khi tiếp cận hiện trường. Nếu xe bị nạn đang nổ máy, cố gắng tắt máy, ngắt nguồn phóng điện đề phòng cháy nổ. Phải đảm bảo thật sự an toàn cho bạn mới tiến hành tiếp cận người bị nạn. Nếu cần giúp sức, bạn đứng vẫy xe, yêu cầu những xe đang đi tới gần dừng lại cùng hỗ trợ sơ cứu người bị nạn.

Cuối cùng là tiến hành sơ cứu người gặp nạn.

Phong Linh (tổng hợp)