Đời sống

Bác sĩ chỉ cách giảm ho hiệu quả dành cho F0

Khi mắc Covid-19 nhiều bệnh nhân thường bị ho và có đờm, để giảm tình trạng này có thể áp dụng những phương pháp dưới đây.

Thông tin trên báo Vnexpress, Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban Ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết hầu hết bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng ho, nhưng không đáng ngại. Đau rát họng, ho nhiều, sốt nhưng đáp ứng thuốc hạ sốt, 1-2 ngày hết sốt, chỉ số SpO2 bình thường, vẫn ăn uống, ngủ nghỉ được, nhìn chung không nguy hiểm.

Ho về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Ho nhiều quá gây mệt, khó ngủ thì cần điều trị. Cần phân biệt hai loại là ho khan và ho có đờm nhưng đờm mắc, dính sâu trong đường thở, không ho khạc ra được, thì cách xử lý sẽ khác nhau.

Trường hợp ho khan, có thể dùng thuốc giảm ho. Ngược lại, ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho, lựa chọn đúng là thuốc long đờm, ho giúp tống dịch nhầy, đờm ra ngoài thì bệnh mới mau khỏi. Ho có đờm có thể do người bệnh bị viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải đến viện khám để bác sĩ có hướng xử trí thích hợp.

Ngoài ra, cần thận trọng vì ho có thể do nguyên nhân khác như người có cơ địa dị ứng hoặc bị suyễn; có bệnh lý trào ngược sẵn có, uống thuốc nhiều thì tình trạng này tăng thêm; hoặc có tình huống kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp, vùng khí quản, hầu họng.... gây ho.

Ho, về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất tác nhân gây bệnh ra khỏi đường hô hấp.

Nếu không phải vì bệnh lý khác, thì việc tự vận động, tập luyện, dinh dưỡng đầy đủ sẽ hỗ trợ ho do Covid-19 nhanh khỏi. Nếu thấy dấu hiệu ho tăng lên, khó thở, sốt không dứt, chỉ số SpO2 giảm, nhịp thở nhanh... là những dấu hiệu cảnh báo F0 trở nặng cần thông báo với cơ quan y tế để được hỗ trợ sớm nhất.

Báo VTC News dẫn lời khuyên của bác sĩ Đặng Xuân Thắng, bệnh nhân có thể cân nhắc giữa sử dụng thảo dược trị ho hoặc thuốc tùy theo mức độ của triệu chứng ho, điều kiện sẵn có cũng như thời gian tác dụng. Thường ở những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên ưu tiên sử dụng thảo dược, bệnh nhân nặng hơn có thể dùng thuốc ho để giảm nhanh cơn ho, tránh mất sức vì ho nhiều.

- Hội Đông y Việt Nam đề nghị thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân gồm tắm, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch nhỏ mũi, nước súc miệng, xông tinh dầu. Nên uống thêm một trong những loại thảo dược như nước ép tỏi; trà xanh,…Các loại thuốc nam bổ phế cũng rất tốt trong trường hợp này.

- Trị ho bằng gừng và mật ong. Chuẩn bị 60g gừng tươi cùng với 30g mật ong nguyên chất. Gừng tươi mang đi rửa sạch rồi cho giã nhỏ. Đem số gừng đó đun sôi cùng với 500ml nước trong khoảng 3 phút. Sau đó lọc phần bã gừng để giữ lại nước. Lấy phần nước này hòa chung với mật ong và uống 2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

- Cách trị ho bằng tỏi. Đây là cách đơn giản nhất, không cần phải chuẩn bị cầu kỳ. Chỉ cần lột sạch lớp vỏ ở bên ngoài rồi cho tỏi tươi vào miệng nhai từ từ. Các chất có trong tỏi tươi sẽ được tiết ra. Sau đó nuốt các chất này để chúng thấm dần xuống cổ họng. Cơn ho sẽ sớm giảm.

- Chế độ ăn, luyện tập nâng cao sức đề kháng: Không căng thẳng về dịch bệnh; cân bằng nghỉ ngơi và làm việc, nên nghỉ trưa ít nhất 30 phút, tránh các công việc gây stress. Ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đầy đủ đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, không ăn nhiều các thức ăn chiên xào, hạn chế thuốc lá, rượu bia, cà phê, chất kích thích.

- Đối với thuốc ho, có thể sử dụng các loại không cần kê đơn (OTC) như codein, pholcodin, dextromethorphan, dextropropoxyphen, thuốc kháng histamin… Tuy nhiên, vẫn cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng các loại trên những bệnh nhân có bệnh hô hấp mạn tính như COPD, hen,…

Hồng Anh (Tổng Hợp)