Sự kiện

Bác sĩ bày cách xử lý sốt khi mắc Covid-19

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, bị sốt khi mắc Covid-19 chứng tỏ hệ miễn dịch vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, khi sốt cao quá thì cần dùng hạ sốt.

Dùng thuốc hạ sốt đúng cách

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, số ca mắc Covid-19 vẫn không ngừng tăng. Bên cạnh các triệu chứng thường gặp rất nhiều người quan tâm đến việc bản thân là F0 nhưng sốt, hoặc sốt rất cao cần phải xử trí như thế nào, nhất là khi tự điều trị tại nhà.

Giải đáp thắc mắc nêu trên, chia sẻ với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc Phòng) cho hay, những người già yếu, nhiều bệnh nền, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, dùng corticoid lâu ngày (viêm cầu thận, lupus, viêm đa khớp dạng thấp, ghép tạng...), bệnh nhân ung thư có thể virus vẫn đang nhân lên mạnh mẽ trong cơ thể mà vẫn không sốt.

Tuy nhiên, khi sốt cao quá thì cơ thể mệt mỏi do mất nước, mất điện giải. Sốt gây đau đầu, mất ngủ, ăn kém, gây co giật ở trẻ em...Vì thế, sốt cao thì chúng ta cần hạ sốt.

Hạ sốt dùng paracetamol, liều dùng tùy theo lứa tuổi (Ảnh minh hoạ).

“Hạ sốt dùng paracetamol, liều dùng tùy theo lứa tuổi. Thành phần đều là paracetamol nhưng tên gọi thì rất nhiều, tùy theo nhà sản xuất, từ Hapacol đến Efferalgan, Panadol, Tylenol... và hàng trăm tên gọi khác. Về cơ bản thì paracetamol an toàn, nhưng với một số ít người thì paracetamol lại gây độc với gan và khi dùng nhiều có thể gây suy gan.

Nếu không dùng được paracetamol thì có thể dùng ibuprofen, hàm lượng 200 hoặc 400mg. Cũng như paracetamol, có vài chục loại tên thuốc khác nhau chứa thành phần ibuprofen”, BS. Hoàng thông tin.

Ngoài dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn, BS. Hoàng cho biết cần bù đủ nước và điện giải để cơ thể đỡ mệt mỏi. Điện giải ở đây chủ yếu là kali, natri và clo, tức kali và muối ăn - Đây chính là các thành phần rất quan trọng để đảm bảo việc dẫn truyền thần kinh và co cơ. Hiện có oresol, các gói bổ sung điện giải, nước dừa, nước cháo, chanh muối... là những sản phẩm thông dụng.

3 trường hợp xảy ra khi sốt

Một vấn đề nhiều người quan tâm nữa là tại sao sốt kéo dài tới ngày thứ 6-7, thậm chí tới ngày thứ 10, cứ hết thuốc hạ sốt là sốt trở lại. Cần xử lý tình huống này thế nào?

Trả lời vấn đề này, BS. Hoàng cho biết, sốt có thể do virus hoặc vi khuẩn và có 3 trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, sốt do virus SARS-CoV-2 thì cần làm test pcr hoặc test nhanh, trường hợp chỉ số CT thấp hoặc vạch test (T) đậm, có nghĩa là virus vẫn còn nhiều, có thể phải tiếp tục dùng thuốc kháng virus. Ở Việt Nam hiện nay, có thể dùng molnupiravir theo chương trình thử nghiệm (5 ngày) hoặc favipiravir.

Thứ hai, sốt do nhiễm vi khuẩn: Những người bình thường dễ viêm họng, viêm a mi đan, viêm phế quản… thì khi mắc Covid cũng dễ nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, việc xác định nhiễm khuẩn hay chưa cũng không dễ dàng.

Nếu bệnh nhân vẫn sốt kéo dài không dứt, test nhanh vạch T mờ, không bị đau nhức cơ khớp thì nhiều khả năng là sốt do vi khuẩn. Lúc này cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng kháng sinh.

Để chắc chắn, cần có xét nghiệm công thức máu để xem bạch cầu có tăng hay không. Bạch cầu có nhiều loại, khi nhiễm khuẩn thì lượng bạch cầu hạt hay bạch cầu đa nhân trung tính sẽ tăng. Xét nghiệm CRP (xét nghiệm định lượng Protein phản ứng C trong máu) cũng có thể đánh giá việc có nhiễm khuẩn hay không. Đặc biệt, có một xét nghiệm rất tốt để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn là procalcitonin (PCT). Thậm chí, chỉ cần dựa vào chỉ số PCT, có thể quyết định dùng hay không dùng kháng sinh, với liều lượng như thế nào, có phải nhập viện cấp cứu (nhiễm khuẩn huyết) hay không.

Sốt có thể do virus hoặc vi khuẩn và có 3 trường hợp xảy ra (Ảnh minh hoạ).

Loại kháng sinh bắt đầu sử dụng thường là nhóm beta_lactam (amoxicillin/clavulanic, ampicillin/sulbactam, ceforuxime, cefpodoxim, cefixim...).

Ở người lớn có thể kết hợp nhóm quinolon (ciprofloxacine hoặc levofloxacine, moxifloxacine), nhóm này không được dùng cho trẻ em vì gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ và xương.

Ở trẻ em, có thể kết hợp nhóm macrolid (erythromycine, azithromycine hoặc clarithromycine), tuy nhiên việc kết hợp giữa beta_lactam diệt khuẩn và macrolid kìm khuẩn không phải là giải pháp tối ưu.

Ngoài ra, còn có một số nhóm kháng virus khác như cyclin (tetracyclin, doxycyclin) và metronidazol...

Theo BS. Hoàng cần phải làm kháng sinh đồ để xác định xem vi khuẩn còn nhạy cảm với loại kháng sinh nào, nhưng việc này rất mất thời gian.

“Lưu ý, một khi đã dùng kháng sinh, cần dùng liều đủ mạnh, sau đó có thể giảm dần liều. Dùng kháng sinh cũng khiến hệ vi khuẩn ruột bị tổn thương, nên phải bổ sung men tiêu hóa. Sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến nhờn thuốc, cần hết sức lưu ý”, BS. Hoàng nhấn mạnh.

Thứ ba, sốt do nhiễm virus khác, BS. Hoàng cho hay, khi test nhanh vạch T mờ hoặc không lên, xét nghiệm không thấy nhiễm khuẩn. Trường hợp này là do nhiễm loại virus khác, không phải virus SARS-CoV-2. Đây là tình huống khá bình thường, không hề hiếm gặp. Bệnh nhân thường có chảy nước mũi, đau cơ khớp, ớn lạnh...

Lúc này bệnh nhân sốt như cảm cúm thông thường và đành phải điều trị triệu chứng, đợi khi hết sốt. Có thể dùng Tamiflu hoặc Arbidol trong các trường hợp này, tuy nhiên hiệu quả không thực sự chắc chắn.

Ngoài việc xử lý sốt, vẫn cần phải súc họng nước muối sinh lý, povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,2%, đo SpO2 thường xuyên để báo cơ quan y tế kịp thời.