Kinh tế vĩ mô

Bạc Liêu kiến nghị gỡ vướng cho dự án 4 tỷ USD

Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được tỉnh Bạc Liêu xem là dự án động lực, quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tại phiên hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiều 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã có bài tham luận, kiến nghị với Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kinh tế xã hội 2021.

Theo ông Thiều, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp cả khu vực miền Nam những tháng vừa qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, việc làm, đời sống của người dân.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu năm 2021 ước chỉ đạt 5,92%. Trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,45%; công nghiệp và xây dựng tăng 13,9%; dịch vụ tăng 3,73% so với cùng kỳ.

Tỉnh dự kiến có 12/19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2021; 7 chỉ tiêu chưa đạt gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giá trị kim ngạch xuất khẩu; tỉ lệ đô thị hóa; số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ảnh: MPI).

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tính đến ngày 30/8 được 945 tỷ đồng, chỉ đạt 28,38% tổng vốn (3.330 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách địa phương đạt 32,93%; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đạt 20,85% tổng vốn; vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 14,17% tổng vốn.

Theo ông Thiều, tiến độ đầu tư các dự án trong và ngoài ngân sách còn chậm, tỉ lệ giải ngân thấp. Nguyên nhân chính là do các nhà thầu xây dựng ngoài tỉnh đi lại khó khăn, không huy động được nhân lực trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, diễn biến bất lợi của thời tiết khi mùa mưa diễn ra sớm hơn so với hàng năm, giá nguyên liệu xây dựng tăng cao liên tục, nguồn cung ứng vật tư hạn chế; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án bồi thường, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích… Đơn vị tư vấn, thi công còn nhiều hạn chế về năng lực, tài chính..

Đối với dự án Mở rộng nâng cấp Việt Nam - vay vốn Ngân hàng Thế giới - Tiểu dự án thành phố Bạc Liêu, tỉnh đang tổ chức triển khai thực hiện và còn nhiều vướng mắc, nhất là chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (GPMB) tăng cao, vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt.

Tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến để tham vấn với nhóm chuyên gia phụ trách Dự án của Ngân hàng Thế giới, qua đó thống nhất chủ trương điều chỉnh giảm quy mô đầu tư một số hạng mục của dự án để giảm chi phí GPMB, đảm bảo không làm vượt tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của dự án. 

"Vấn đề này tỉnh đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đến nay tỉnh chưa nhận được văn bản xử lý", ông Thiều nêu rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều.

Với dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, dự án này được tỉnh xem là dự án động lực, quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên tiến độ thực hiện còn rất chậm, còn nhiều khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, điều này tỉnh đã có báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị với Bộ KH&ĐT một số kiến để tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép”.

Do ảnh hưởng bởi dịch, tỉnh phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay gần 2 tháng nên kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ không cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 của địa phương nếu đến ngày 30/9/2021 có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã giao.

“Kiến nghị các Bộ, ngành, đặc biệt là Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị của Nhà đầu tư về Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Bạc Liêu để dự án sớm triển khai thi công đưa vào hoạt động vận hành thương mại đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, tham luận của Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nêu.

Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) của Singapore làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC. Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long tính tới thời điểm này, với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ USD.

Dự án này tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích đất 70 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Theo kế hoạch, từ khi được cấp chứng nhận đầu tư (tháng 1/2020), nhà đầu tư có 12 tháng để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án vào đầu năm 2021. Dự kiến đến đầu năm 2024, tổ máy tua-bin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) sẽ vận hành và tiếp tục xây lắp, đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.

Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc trong thủ tục chuẩn bị đầu tư nên tiến độ thực hiện dự án này đang chậm hơn nhiều so với dự kiến. Chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để kịp khởi công dự án vào cuối năm nay, trễ gần 1 năm so với kế hoạch.