Sự kiện

Bạc Liêu: Kiểm soát chặt ở địa bàn giáp ranh

Tỉnh Bạc Liêu kiên quyết không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở địa bàn giáp ranh.

Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết, huyện là địa phương cửa ngõ của tỉnh Bạc Liêu, có 5/8 xã giáp ranh tỉnh Sóc Trăng với chiều dài khoảng 47,5km.

Trong đó, 7 xã ở trạng thái “bình thường mới” (vùng xanh) và 1 xã “nguy cơ cao” là xã Châu Hưng A (vùng cam). 

Để siết chặt việc người dân đi lại trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, huyện Vĩnh Lợi đã cho rào các đường mòn, lối mở ở những địa bàn giáp ranh với các huyện Thạnh Trị, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Xuyên của tỉnh Sóc Trăng.

Cụ thể, chính quyền địa phương đã cho làm hàng rào tại những cầu bê tông qua địa bàn giáp ranh; vận động người dân dỡ cầu khỉ (cầu làm bằng một thân cây gỗ bắc ngang sông nhỏ - PV) hoặc kéo xuồng, vỏ lãi, đò dọc lên bờ để hạn chế việc đi lại khi không cần thiết.

Đại tá Nguyễn Văn Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, huyện Vĩnh Lợi có địa bàn giáp ranh với tỉnh bạn nhiều, việc đóng chốt chỉ kiểm soát được người đi đường chính, khó quản hết cả tuyến ranh dài. Do đó, huyện nên thành lập Tổ tuần tra lưu động để phòng ngừa, kịp thời phát hiện người qua lại địa bàn.

Trong lần kiểm tra các địa bàn giáp ranh, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị huyện Vĩnh Lợi không chủ quan, lơ là, phải đặt phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu. Bảo vệ sức khỏe người dân tốt thì mới làm được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt.

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu (áo hồng) trong lần kiểm tra các địa bàn giáp ranh giữa huyện Vĩnh Lợi với một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng.

Bà Nam cũng đề nghị Công an, quân đội tăng cường tuần tra lưu động; chi viện cho địa bàn giáp ranh để giữ vững vùng xanh; triển khai xét nghiệm sàng lọc, ưu tiên xã nguy cơ cao, địa bàn giáp ranh với tỉnh có vùng dịch,…

“Quan tâm chăm lo chu đáo lực lượng tuyến đầu chống dịch, đây là lực lượng rất vất vả, nguy cơ cao như về sức khỏe, ăn nghỉ an toàn để không bị lây nhiễm… Ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 2 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch”, bà Nam lưu ý.