Tiêu dùng & Dư luận

Bắc Giang: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Đó là định hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang được nêu ra tại hội nghị trực tuyến, tổ chức sáng 11/11.

Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của Bắc Giang” do UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức. Trong đó điểm cầu chính tại huyện Lục Ngạn và hàng trăm điểm cầu tại các Bộ, Ban, ngành, siêu thị trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với điều kiện tự nhiên ban tặng, Bắc Giang sở hữu 300 nghìn ha đất nông nghiệp. Trong đó, cây ăn quả chiếm 30% sản lượng toàn miền Bắc. Đặc sản vải thiều có sản lượng lớn nhất nước, đàn vật nuôi nằm trong top 5 cả nước.

Không chỉ chiếm sản lượng lớn, các sản phẩm nông nghiệp Bắc Giang còn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ chú trọng quảng bá, đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản, thời gian tới Bắc Giang tập trung gắn nông nghiệp với văn hoá, dịch vụ.

Ông Phan Thế Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Du lịch “hoa trái vườn đồi” sẽ mở ra hướng phát triển mới nhằm nâng cao tối đã hiệu quả trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh việc đón nhiều du khách sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp được quảng bá và đón nhận nhiều thêm nữa.

Nhằm phát huy hơn nữa lợi thế của nông nghiệp, Bắc Giang đề nghị các Bộ, Ban ngành, các địa phương trong cả nước hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước.

Trong đó, đề Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán với các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; thông tin về hàng rào kỹ thuật, yêu cầu xuất khẩu; mã định danh trong chăn nuôi; công nghệ trong chế biến, bảo quản giúp phát triển nông nghiệp bền vững.

Toàn cảnh hội nghị.

Bộ Công thương tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ nông sản Bắc Giang lên các sàn thương mại điện tử; Cục sở hữu trí tuệ hỗ trợ công nghệ trong chế biến, bảo quản; Tổng cục du lịch quan tâm phát triển, xúc tiến du lịch; UBND và Sở Công thương các tỉnh thực hiện liên kết tạo điều kiện cho nông sản Bắc Giang phát triển bền vững.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho hay, với nhiều lợi thế, Lục Ngạn đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang nói riêng và và cả nước nói chung.

Hiện đang bước vào giai đoạn thu hoạch cam, bưởi. Với sản lượng trên 60 nghìn tấn quả tươi chất lượng, Lục Ngạn sẽ cung cấp những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho thị trường.

Về hướng phát triển gắn với du lịch, huyện đang thúc đẩy chủ đề “Lục Ngạn mùa quả chín”, sẵn sàng phục vụ du khách đến với quê hương Lục Ngạn.

Ngoài vải thiều, Lục Ngạn còn là thủ phủ của nhiều loại nông sản khác.

Tại điểm cầu Bộ Công thương, ông Nguyễn Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương, đánh giá cao những nỗ lực của Bắc Giang, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp từ giữa năm 2021, tỉnh vẫn đảm bảo tiêu thụ vải thiều cho bà con với hơn 215 nghìn tấn. Không chỉ vải thiều, các loại nông sản như: cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà…tỉnh cũng có nhiều tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, Bắc Giang còn tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải tại huyện Tân Yên và Tp.Bắc Giang, qua đó quảng bá quả vải thiều đến nhiều điểm cầu trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, ông Hải khẳng định, với vai trò cơ quan quản lý điều hành trong lưu thông hàng hoá, Bộ Công thương luôn xác định ưu tiên việc hỗ trợ các địa phương tiêu thụ, kết nối giao thương đến thị trường trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, Bộ Công thương xác định, thị trường trong nước là thị trường tiêu thụ chính. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ cùng Bộ, ban, ngành tiếp tục có những định hướng, hướng dẫn, tạo thuận lới cho địa phương chủ động trong việc đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đến thị trường.

Lễ ký biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ nông sản tại hội nghị.

Tại hội nghị này, có 57 văn bản đã được ký kết về tiêu thụ nông sản của tỉnh.