An ninh - Hình sự

Bắc Giang: Bắt đối tượng cho vay nặng lãi, thu lợi bất chính 5 tỷ đồng

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt giữ, các đối tượng trong đường dây này đã giao dịch, cho vay hơn 23 tỷ đồng và thu lợi bất chính hơn 5 tỷ đồng.

Ngày 22/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Công an Tp.Bắc Giang và các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đấu tranh làm rõ, tiến hành bắt giữ Nguyễn Văn Khánh, SN 1986 và Đồng Quốc Kiên, SN 1995, cùng trú tại xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Văn Khánh, cơ quan chức năng thu giữ một máy tính, 2 ô tô, 3 xe máy, 6 điện thoại di động, ba thẻ ATM, số tiền hơn 500 triệu đồng và nhiều đồ vật, tài sản, giấy tờ có liên quan.

Quá trình điều tra xác định, bằng thủ đoạn cho vay lãi nặng dưới các hình thức như bốc bát họ, cầm cố tài sản,vay lãi ngày với lãi suất từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng/1 triệu/1 ngày... từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt giữ, các đối tượng đã giao dịch, cho vay hơn 23 tỷ đồng và thu lợi bất chính hơn 5 tỷ đồng.

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự đang tạm giữ đối với Nguyễn Văn Khánh và Đồng Quốc Kiên để tiếp tục điều tra mở rộng.

Người dân cần nhận thức rõ nguy hại của “tín dụng đen” 

Tại nhiều địa phương trên cả nước, tình hình hoạt động của các tổ chức, nhóm tín dụng đen có chiều hướng phức tạp, đặc biệt thời điểm dịch bệnh, khó khăn, cuối năm.

Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh truy xét, xóa sổ các hoạt động cho vay nặng lãi là hướng đi đúng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Do các tổ chức, băng nhóm, cá nhân hoạt động tín dụng đen như vòi bạch tuộc, muôn hình vạn trạng và có rất nhiều thủ đoạn che giấu nên công tác đấu tranh của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người dân về hoạt động tín dụng đen. Thực tế các hoạt động tín dụng đen chỉ tồn tại khi người dân, “nạn nhân” tự tìm đến. Khi tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi, người vay đã biết rõ “luật chơi”, biết rõ lãi suất, các hậu quả và hệ lụy nếu không trả được gốc và lãi đúng hạn.

Tuy nhiên, do khó khăn, bí bách, người vay chấp nhận, thậm chí hợp tác với cá nhân, tổ chức hoạt động tín dụng đen để che giấu hành vi phạm tội của họ, cụ thể như trong hợp đồng vay vốn không ghi lãi suất, không hợp tác với cơ quan chức năng khi có hoạt động điều tra.

Thực tế, đã có nhiều người vay vốn của các cá nhân, tổ chức tín dụng đen nhưng không có khả năng trả, dẫn đến các cá nhân, tổ chức này mất tiền vốn. Do hoạt động này là phạm pháp, độ rủi ro cao nên họ tự đề ra mức lãi suất rất cao.

Trao đổi với báo Lao Động, nhà nghiên cứu Bùi Minh Hào (Nghệ An) phân tích: “Hoạt động của tín dụng đen có nguyên nhân từ hai phía, theo quy luật cung cầu: Từ phía các cá nhân, tổ chức tín dụng đen và từ các “nạn nhân”. Phía tín dụng đen không ép buộc, mà do người vay khó khăn, bí bách nên mới tìm đến. Do đó, khi người vay không tìm đến nữa thì các tổ chức tín dụng đen không còn lý do tồn tại”.

Từ đó, ông Bùi Minh Hào cho rằng cần nâng cao ý thức người dân, cần thấy được sự nguy hiểm và mức độ rủi ro cao khi vay tiền từ các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi để tránh xa. Đây là giải pháp căn cơ, bền vững nhất để ngăn chặn, triệt tiêu tệ nạn tín dụng đen.

Han (t/h từ VOV, Vietnamnet, Lao Động)