Chính sách

Bác đề xuất bỏ thuế giá trị gia tăng với vải của hiệp hội Dệt may

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị bỏ quy định nộp thuế VAT với vải trong nước để gỡ khó cho ngành dệt may, tuy nhiên, bộ Tài chính đã bác bỏ đề nghị này.

Vừa qua, hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã kiến nghị Chính phủ, bộ ngành một loạt vấn đề gỡ khó cho ngành dệt may, trong đó có việc xem xét bỏ quy định nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như quy định.

Phúc đáp kiến nghị này của Hiệp hội, bộ Tài chính cho biết, luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%, trong đó mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.

Theo quy định hiện hành thì thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế giá trị gia tăng 10% khi mua vải trong nước, khi xuất khẩu sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% và được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu theo hàng hóa, dịch vụ và không có quy định ưu đãi riêng theo đối tượng doanh nghiệp. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

“Việc bỏ quy định nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu hoặc quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng vải mua trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu, sẽ làm giảm tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng do doanh nghiệp bán vải trong nước sẽ không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và có thể làm tăng giá bán của mặt hàng vải, đồng thời chưa phù hợp với quy định của Luật thuế giá trị gia tăng”, bộ Tài chính cho hay.

Do vậy, bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của sản phẩm xuất khẩu.

Bộ Tài chính đã bác kiến nghị bỏ thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu.

Theo bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lí không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại. 

Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững. 

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau.

Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. 

Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.