An ninh - Hình sự

Ba tù nhân dùng bè kết từ 50 chiếc áo mưa vượt ngục giữa hoang đảo và cái kết không ai biết

Frank Morris cùng cặp anh em John và Clarence Anglin đã ghi tên mình vào lịch sử sau khi cùng nhau trốn thoát khỏi nhà tù Alcatraz, nơi có hệ thống an ninh và địa hình khó trốn thoát nhất thế giới. Tuy nhiên, đến nay, câu hỏi liệu ba tù nhân có sống sót nổi để vào bờ hay không vẫn chưa được giải đáp.

Vào sáng 12/6/1962, một tiếng còi lớn vang lên từ trên đỉnh một tảng đá ở vịnh San Francisco. Đây là âm thanh rất ít người có cơ hội được nghe thấy vì đó là tiếng còi thông báo có tù nhân vượt ngục.

Vì sao lại nói ít người có cơ hội được nghe tiếng còi này?

Alcatraz là nhà tù được coi là “không thể trốn thoát” của nước Mỹ vì nó nằm trên 1 hoang đảo tứ phương là biển cùng hệ thống an ninh và đội ngũ nhân viên tinh luyện, nghiêm ngặt nhất. Việc nằm giữa biển khiến những tên tù nhân từ bỏ ý định vượt ngục vì nếu không bị bắt lại với mức án cao hơn thì cũng sẽ phải bỏ mạng dưới biển. Ấy vậy, Frank Morris, John Anglin và Clarence Anglin vẫn quyết định vượt ngục, thậm chí còn có thể sống sót vào đến đất liền. Vụ vượt ngục đã trở thành tâm điểm dư luận và cũng là “nỗi xấu hổ” của nhà tù Alcatraz khi đó.

Ảnh chụp nhà tù Alcatraz năm 1962 

John và Clarence Anglin sinh ra trong một gia đình nghèo gồm 14 người con ở Georgia và bị tống giam sau một loạt vụ cướp ngân hàng. John tới nhà tù Alcatraz vào năm 1960 sau nhiều vụ vượt ngục cùng anh trai. Sau đó một năm, Frank cũng bị đưa vào nhà tù này với lý do tương tự. Từng là một tên cướp và buôn bán ma túy, Frank đã trốn khỏi nhà tù ở bang Louisiana trước khi bị bắt trở lại với tội danh ăn trộm và thi hành án ở nhà tù Alcatraz.

Trong thời gian thi hành án, 3 tên này đã kết bạn với nhau và âm thầm lên kế hoạch trốn khỏi nhà tù có hệ thống an ninh bậc nhất nước Mỹ này. Frank, John và Clerence đã đào 1 đường hầm ở lỗ thông gió trong buồng giam của Frank bằng những dụng cụ tự chế như thìa được mài sắt hoặc một phần lưỡi cưa lấy cắp được ở xưởng kim loại. Mỗi khi đi ra ngoài hoặc đến giờ điểm danh, bọn chúng lại sử dụng tấm bìa màu để che đậy đường hầm.

Không lâu sau, Frank còn tự chế tạo được chiếc máy khoan tự động từ máy hút bụi bị hỏng để đẩy nhanh quá trình vượt ngục. Mỗi khi John và Clarence hành động, Frank sẽ dùng tiếng đàn accordion của mình để che giấu tiếng động. Chẳng mấy chốc, đường hầm đủ cho một người lớn chui qua đã được hoàn thành.

Đêm 11/6/1962, 3 phạm nhân lần lượt chui qua đường hầm để trèo lên được mái của nhà tù. Với độ cao 9m, Frank, John và Clarence đã nghĩ ra cách trèo men dọc theo đường ống khói xuống đất và di chuyển ra điểm tập kết. Tại đây, 3 tù nhân lôi ra một chiếc bè được làm từ hơn 50 chiếc áo mưa do bọn chúng thu lượm hoặc ăn trộm về. Frank đã sử dụng chiếc kèn của mình như 1 công cụ bơm tay để thổi căng chiếc bè sau đó sử dụng mái chèo bằng gỗ dần di chuyển vào đất liền. Những chiếc áo mưa được sử dụng vô cùng hợp lý đến mức chúng có khả năng chịu đựng không kếm các chiếc xuồng cao su là bao.

Bên trong nhà tù Alcatraz 

Rạng sáng 12/6, nhân viên an ninh đến từng phòng giam điểm danh như thường lệ. Sau khi đến phòng giam của Frank, John và Clarence, người quản giáo ngỡ tưởng 3 tên phạm nhân vẫn đang ngủ nên đã gọi dậy. Tuy nhiên, sau 2 hồi gọi không có tiếng đáp trả, người quản giáo đã vội vàng mở cửa phòng giam để xem xét tình hình.

Lúc này trên giường của 3 tên tội phạm chỉ là chiếc đầu giả được nhồi giấy, tóc người và những tấm vải cùng gối được xếp sao cho giống một người đang nằm để đánh lừa nhân viên an ninh đi kiểm tra mà thôi.

Tiếng còi báo động nhanh chóng được phát lên nhưng không ai có thể truy tìm được dấu vết của Frank, John hay Clarence. Nhiều người cho rằng 3 tên tù nhân đã bỏ mạng dưới đáy đại dương vì họ không thể sống sót nổi bởi những con sóng dữ dội.

Dẫu vậy, hàng loạt câu hỏi nghi vấn vẫn được đưa ra yêu cầu Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về cuộc tẩu thoát và kết cục của cả 3 tù nhân sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Alcatraz.

Chiếc mặt nạ giả và đường hầm trong phòng giam của 3 phạm nhân 

Sau rất nhiều năm, người thân của John và Clarence Anglin vẫn tin rằng họ vẫn còn sống. San Francisco Chronicle cho biết, vào năm 2013, ít nhất 4 thành viên của gia đình Anglin bao gồm 2 cháu trai và 1 em gái đã cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của John và Clarence. Thậm chí trong suốt 3 năm liền, mẹ của John và Clarence vẫn nhận được thiệp chúc mừng giáng sinh kèm theo chữ kí của họ. Sau khi được đem đi giám định, FBI khẳng định đó là bút tích của John và Clarence.

Năm 2018, KPIX 5 của Mỹ cho biết, họ từng nhận được một bức thư gửi tới sở Cảnh sát San Francisco và chủ nhân bức thư là John Anglin. Theo nội dung, tính đến thời điểm đó chỉ còn John Anglin còn sống trong khi Frank và Clarence lần lượt qua đời vào các năm 2008 và 2011. John đề nghị ông sẽ đầu thú nhưng đổi lại cơ quan chức năng phải điều trị bệnh ung thư cho mình.

Ảnh chụp 3 phạm nhân khi bị bắt và ảnh phác thảo sau 51 năm 

“Tôi tên là John Anglin. Tôi đã trốn khỏi nhà tù Alcatraz vào tháng 6/1962 cùng em trai tôi là Clarence và Frank Morris. Tôi giờ đã 83 tuổi và sức khỏe yếu. Tôi bị bệnh ung thư. Đúng là chúng tôi đã bỏ trốn trong đêm đó. Nếu các bạn thông báo trên truyền hình rằng, tôi sẽ được đảm bảo về việc chỉ bị đi tù không quá một năm và có thể được hưởng chăm sóc y tế, tôi sẽ viết thư lại và nói cho các bạn biết chính xác tôi đang ở đâu. Đây không phải 1 trò đùa”, John nói.

FBI đã đưa bức thư đi kiểm tra và giám định ADN cùng bút tích nhưng kết quả đến nay vẫn chưa được công bố.

Han (theo Washington post, Independent)