Bất động sản

Bà Rịa – Vũng Tàu "điểm mặt" các doanh nghiệp bất động sản nợ thuế hàng chục tỷ đồng

Cùng với tình hình tăng trưởng bất động sản ngày càng phát triển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang vất vả để đòi nợ thuế từ các doanh nghiệp với số tiền hàng tỷ đồng.

Mới đây, cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa công khai danh sách 212 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền lên đến gần 166 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nợ thuế lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, công ty CP Đầu tư Xây dựng Sản xuất Tân Thành, trụ sở tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nợ 47 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng Trung Tín, đóng tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nợ 13 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác cũng có số tiền nợ thuế khá lớn như công ty CP Thương mại tổng hợp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nợ gần 9 tỷ đồng hay công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Thanh Bình nợ hơn 5 tỷ đồng.

Công ty CP ĐT XD SX Tân Thành là doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất trong danh sách của cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh Cường, Phó Cục Trưởng cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, các doanh nghiệp này không nộp thuế đúng hạn, bỏ địa chỉ kinh doanh, thậm chí người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

“Sắp tới, cục Thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản ngân hàng, ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn, cưỡng chế hoá đơn… đối với doanh nghiệp nợ thuế để thu hồi”, ông Nguyễn Minh Cường cho hay.

Theo thống kê của sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2018, địa phương đã thu hút 23 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 157 dự án bất động sản với tổng diện tích hơn 3.400ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thu hút thêm 124 dự án bất động sản.

Cùng với thị trường bất động sản ngày càng phát triển, nguồn thu từ tiền sử dụng đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng mạnh.

Đánh giá về các biện pháp mà ngành thuế đang thực hiện đối với các doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính (đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng cần được sử dụng cẩn trọng để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác.

“Trong khi đó, biện pháp đề nghị rút giấy phép kinh doanh cũng không dễ thực hiện vì phải phối hợp với bên cơ quan đã cấp phép thành lập doanh nghiệp. Hay nếu muốn trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp cũng phải thông qua ngân hàng. Đó là chưa kể, mỗi doanh nghiệp có nhiều tài khoản khác nhau”, ông Lê Đạt Chí nhận định.

Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh, để làm giảm nợ đọng, xử lý được các doanh nghiệp chây ì nộp thuế, các cơ quan quản lý phải có sự phối hợp đồng bộ với nhau. Hơn nữa, có thể xem xét nâng lãi suất phạt chậm nộp để mang tính răn đe, tránh trường hợp có các doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian nộp thuế.