Sự kiện

Ba phương án khi TP.HCM kết thúc thực hiện Chỉ thị 16

Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, dựa vào tình hình thực tế mà địa phương sẽ đưa ra phương án mới sau khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16.

Tối 13/7, Thành ủy TP.HCM có buổi họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi khẳng định sẽ “ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết”.

Sau 5 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đánh giá cao và trân trọng cảm ơn nhân dân TP đã đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm các quy định.

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi cũng trân trọng cảm ơn các tỉnh thành và đồng bào cả nước đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho TP.HCM trong nhiều ngày qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định đặt ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe, tính mạng người dân.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã tập hợp các dữ liệu một cách có hệ thống. Trên nền dữ liệu này, đội ngũ chuyên gia tiến hành phân tích số ca dương, diễn biến của dịch bệnh. Đây chính là cơ sở để Ban chỉ đạo đề ra các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện tại, TP.HCM đang tập trung tầm soát F0 có trọng tâm trọng điểm, tách F0 khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể. Đồng thời, tập trung cho công tác tiêm vaccine tiến hành cách ly, thu dung điều trị F0 và tập trung các nguồn lực điều trị bệnh nhân Covid-10 có triệu chứng hoặc diễn biến nặng.

Về những tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết, TP.HCM dự đoán sẽ có 3 tình huống.

Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, TP.HCM thực hiện điều chỉnh giải pháp phòng chống dịch theo thực tế.

Thứ hai, dịch bệnh chưa được kiểm soát, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường ở một số địa bàn.

Thứ ba, dịch gia tăng mạnh, TP.HCM đã tính đến tình huống phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.

“Dù tình huống nào xảy ra, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và triệt để yêu cầu 5K, nhất là khoảng “thời gian vàng” này. Các cơ quan chức năng, lực lượng công tác trực tiếp tham gia phòng chống dịch phải thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ để đạt hiệu qủa cao nhất”, ông Mãi nói.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ rà soát các kế hoạch, phương án nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá, cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị, hỗ trợ cho những người đang khó khăn,…

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM khẳng định, địa phương luôn đặt ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết. Do đó, việc duy trì sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch phải đảm bảo nguyên tắc “nơi nào an toàn mới tổ chức sản xuất”.

Báo cáo về hoạt động phòng chống dịch trong ngày 13/7, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, có 16.346 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP.HCM đã được bộ Y tế công bố.

Thành phố đang điều trị 15.647 bệnh nhân dương tính, trong đó có 224 bệnh nhân nặng đang thở máy (8 trường hợp cần can thiệp ECMO).

TP.HCM hiện có 14 khu cách ly tập trung, 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động, 5 bệnh viện đang được thiết lập, đưa tổng quy mô giường bệnh hiện có lên khoảng 50.000 giường.

Liên quan đến kế hoạch triển khai cách ly F1 và F0 tại nhà, ông Hữu Hưng cho biết, các giải pháp hiện nay đều chưa có tiền lệ, việc cân nhắc và lựa chọn giải pháp để triển khai là tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Việc triển khai cách ly F1, F0 tại nhà cần tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Ngoài những tiêu chí, yêu cầu của bộ Y tế, tùy diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, sở Y tế sẽ tham mưu và đề xuất cụ thể với UBND TP.HCM để có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp.

Cung cấp thông tin nhanh về truy vết, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm cho hay, từ 6h ngày 12/7 đến 6h ngày 13/7 đã ghi nhận 1.602 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Phần lớn các trường hợp phát hiện là trong khu vực cách ly và khu vực phong tỏa, có 8 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp, 3 trường hợp phát hiện khi tầm soát cộng đồng, 138 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 96 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.