Sự kiện

Báo chí phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP, tránh phản biện "câu like"

Chiều 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, diễn đàn Báo chí - cầu nối Doanh nghiệp và Chính phủ với chủ đề “Báo chí, Doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP” đã được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội. Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận được đề cập.

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra những vấn đề hỗ trợ vốn và môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên CPTPP.

Theo ông, báo chí có vai trò cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp, hiện nay, Chính phủ đã ngày càng quan tâm báo chí hơn, nhưng ít thời gian nghiên cứu, nếu báo chí thiếu chính xác thì lãnh đạo cũng sẽ thiếu chính xác.

“Nên có lớp đào tạo về kỹ năng tác nghiệp để truyền đạt thông tin, chính sách. Quan trọng là chính sách hóa bằng văn phong đơn giản, là một thách thức lớn đối với báo chí, giữa kỷ nguyên CPTPP”, ông đề xuất.

Toàn cảnh diễn đàn Báo chí - cầu nối Doanh nghiệp và Chính phủ với chủ đề “Báo chí, Doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP”.

Chuyên gia Kinh tế, GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Hiện nay, vẫn còn hiện tượng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp còn mới, sức sống còn non yếu trên thị trường, tuy nhiên, lại là tương lai của đất nước, là “mắt xích” quan trọng nâng tầm kinh tế Việt Nam sau này. Vì vậy, Chính phủ cần có sự nâng đỡ, hỗ trợ để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn bị đè nén, trói buộc, mãi không “lớn lên” được”.

GS.TS Trần Đình Thiên cũng khẳng định: “Chính phủ cũng đã bước đầu có sự “nới lỏng”, mặc dù chỉ là 50% của bề nổi. Nói vậy, không chỉ 50% bề nổi mà còn cả 4/5 bề chìm vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, điều đó cũng đã mang lại những dấu hiệu tích cực, đặc biệt về vấn đề xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp phải chủ động đề nghị, đề xuất với Chính phủ, giữa Chính phủ và doanh nghiệp là mối quan hệ đối tác không phải là mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, vì thế không phải theo hướng “xin oxi để thở”.

Bên cạnh đó, xây dựng Chính phủ điện tử và giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp đáng chú ý.

Báo chí phải đồng hành cũng các chuyên gia, thực hiện giám sát chặt chẽ những hiện tượng trao đổi chi phí “dưới gầm bàn”, hay thậm chí là công khai trên mặt bàn”.

Đại diện báo chí, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong cũng chia sẻ về vai trò của báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp: Nhìn lại những loạt bài của báo chí công bố những con số: một hạt gạo cõng 36 thứ phí, một con gà cõng 14 giấy phép... cho thấy cả một nền kinh tế “cõng” trên lưng cả hàng nghìn giấy phép, thành tựu trong năm 2018 đã loại bỏ được 50% giấy phép.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm.

Chính cơ quan báo chí phải nỗ lực làm mới mình. Bản thân báo chí đang tụt hậu so với sự phát triển của báo chí thế giới, không theo kịp sự biến chuyển của thị trường, các báo vẫn “lơ mơ” về chính sách kinh tế nhưng lại rất hay “phán”.

“Báo chí là công cụ hữu hiệu để xử lý khủng hoảng truyền thông, một dòng trạng thái trên mạng xã hội cũng có thể gây khủng hoảng vì thế cần có báo chí để xử lý. Phải khẳng định báo chí và doanh nghiệp phải là người bạn đồng hành, thủy chung. Doanh nghiệp cần gần gũi, chia sẻ hơn với báo chí, qua đó, minh bạch hóa thông tin. Doanh nghiệp phát triển, xã hội mới phát triển, vì thế báo chí cần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng, ông Lê Tiền Tuyến cũng nhận định: “Báo chí phải tìm hiểu kỹ, sâu hơn, báo chí bây giờ hay phản biện “câu like” chứ không phải phản biện tâm huyết vì cái chung”.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn cơ quan báo chí sẽ tạo một hệ sinh thái kết nối, giữa Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trong nước”.

Ông Hoàng Lâm, Tổng Thư ký tòa soạn báo Lao động: “Báo chí có nhiệm vụ thông tin lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, báo chí cũng gặp nhiều khó khăn. Cần có sự hỗ trợ để làm tốt hơn những nhiệm vu, vai trò.

Mong muốn của làng báo nói chung, các doanh nghiệp có cái nhìn thiện cảm hơn với báo chí, bởi chỉ có một bộ phận nhỏ có những biểu hiện đó, còn lại vẫn đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị phát triển.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng các chuyên gia có thể cộng tác nhiều hơn với các báo, có ý kiến phản biện mãnh liệt hơn, đóng góp nhiều hơn để báo chí có góc nhìn tốt hơn”.