Hồ sơ điều tra

Bà Nguyễn Phương Hằng cùng đồng phạm hầu tòa

Sáng 21/9, TAND Tp.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng, 53 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cùng bị xét xử về cùng tội danh với bà Hằng còn có 4 đồng phạm khác, gồm: Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, Giảng viên Trường Đại học Luật Tp.HCM; Nguyễn Thị Mai Nhi, 39 tuổi, trợ lý bà Hằng; Lê Thị Thu Hà, 30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam và Huỳnh Công Tân, 28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại tòa.

Từ sáng sớm, nhóm 5 bị cáo nêu trên được áp giải đến tòa. Theo quan sát, bà Hằng khá tươi tỉnh, nhiều lần mỉm cười trong phòng xử án. Nhóm 10 người được xác định tư cách người có quyền lợi liên quan đều có mặt hoặc có người đại diện.

Trong đó, trực tiếp đến tòa có ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ đàm Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni.

Trong phần thủ tục phiên tòa, Luật sư Nguyễn Thành Công, người đại diện cho ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, ông Hiển đã gửi đơn đến TAND Tp.HCM đề nghị xác định lại tư cách của ông Hiểu là bị hại, thay vi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng chưa được trả lời. Hiện ông Hiển đang khiếu nại việc này lên TAND Cấp cao tại Tp.HCM và đề nghị HĐXX hoãn xử đề chờ quyết định của tòa Cấp cao. Trường hợp HĐXX chấp nhận tư cách ông Hiển là người bị hại trong phiên tòa thì xin tiếp tục phiên tòa.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho những người được xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này cũng đồng loạt đề nghị HĐXX thay đổi tư cách của thân chủ họ, theo hướng xác định lại họ là người bị hại.

Trong đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Đinh Thị Lan đồng tình với việc xác định lại tư cách của 10 người bị bà Hằng “nói xấu” là người bị hại. Trường hợp vẫn xác định tư cách bà Lan là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì đề nghị HĐXX không giới hạn quyền của luật sư khi bảo vệ quyền lợi cho thân chủ ở tư cách người bị hại. Ngoài ra, bà Lan và những người được xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác cũng cho rằng, trước đó những người này được VKSND Tp.HCM xác định tư các là bị hại, do đó các luật sư đề nghị đại diện VKS có ý kiến về vấn đề này.

Trước các đề nghị của các luật sư và đề nghị hoãn phiên tòa của luật sư Nguyễn Thành Công, HĐXX quyết định hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng, các vấn đề luật sư đề nghị sẽ được xem xét trong quá trình xét xử và quyết định tiếp tục phiên tòa.

Theo truy tố, bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok…để livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của 9 cá nhân: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển; bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Việt Hà.

Tại các buổi livestream, bà Hằng đã phát ngôn những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người. Trong đó, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Để bảo vệ quyền lợi cho mình, nhiều cá nhân bị vu khống, xúc phạm đã gửi đơn tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp. Trong đó, có cả việc đề nghị khởi tố bà Hằng và những người giúp sức cho nữ đại gia này trong các buổi livestream.

Tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng thừa nhận, các thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân trên đều do bà này đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.

Theo các cơ quan tố tụng, hành vi của các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Trong đó, bị can Nguyễn Phương Hằng đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Đặng Anh Quân có vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội.