Thế giới

Ba Lan “bình tĩnh” trước vụ tên lửa do Nga sản xuất rơi trúng lãnh thổ

Vụ nổ ở vùng giáp giới Ba Lan-Ukraine nghi liên quan đến tên lửa đo Nga sản xuất đặt ra câu hỏi liệu điều khoản nào của NATO sẽ được kích hoạt để bảo vệ đồng minh?

Sau khi các nhà chức trách cho biết có khả năng một “quả tên lửa do Nga sản xuất” đã rơi xuống một ngôi làng Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng hôm 15/11, các nhà lãnh đạo Ba Lan cho biết họ đang cân nhắc kích hoạt Điều 4 của Hiến chương NATO, liên minh quân sự gồm 30 quốc gia mà Ba Lan là thành viên.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cuối ngày 15/11 cho biết đất nước ông chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy ai đã bắn tên lửa gây ra vụ nổ ở ngôi làng cách biên giới với Ukraine chỉ khoảng 6 km.

“Trước hết, tôi muốn đảm bảo với mọi người rằng chúng tôi làm việc một cách rất bình tĩnh, rất cẩn thận, chúng tôi không đưa ra bất kỳ quyết định hấp tấp nào và tôi yêu cầu mọi người giữ bình tĩnh. Các binh sĩ Ba Lan đang có mặt tại hiện trường, chúng tôi có sự hỗ trợ của các đồng minh, và tất cả các cam kết đối với chúng tôi đã được thực hiện”, ông Duda nói.

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi có thể nói rằng những gì đã xảy ra là một sự cố cá biệt. Không có dấu hiệu nào cho thấy có thể có các vụ việc tương tự tiếp theo”.

Trước đó, hôm 15/11, ông Lukasz Jasina, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết trong một tuyên bố: “Vào lúc 15h40 (giờ địa phương) tại làng Przewodów ở huyện Hrubieszów, tỉnh Lubelskie, một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống, khiến 2 công dân Cộng hòa Ba Lan thiệt mạng”.

Tuyên bố của Bộ này không nêu rõ quả tên lửa đó thuộc loại nào hoặc nơi mà từ đó nó được bắn đi. Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập Đại sứ Nga về vụ việc.

Cảnh sát bảo vệ lối vào hiện trường vụ nổ ở làng Przewodów, miền Đông Ba Lan, hôm 15/11/2022. Ảnh: Anadolu Agency

“Tất nhiên, chúng tôi biết rằng cả ngày 15/11 Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa, nhưng hiện tại chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào về việc ai đã phóng quả tên lửa này, cuộc điều tra đang được tiến hành. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng các nhà điều tra sẽ làm rõ điều đó. Rất có thể đó là một tên lửa do Nga sản xuất, nhưng tất cả vẫn đang được điều tra vào lúc này”, ông Duda nói với các phóng viên.

Ông cũng cho biết, rất có thể Ba Lan sẽ yêu cầu tham vấn theo Điều 4 của liên minh quân sự NATO sau vụ việc.

“Đại sứ của chúng tôi sẽ tham dự cuộc họp của NATO vào lúc 10h sáng ngày 16/11 tại trụ sở NATO ở Brussels... rất có khả năng Đại sứ Ba Lan tại NATO sẽ yêu cầu kích hoạt Điều 4, điều khoản về tham vấn đồng minh”, Tổng thống Ba Lan cho biết.

Văn phòng của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 15/11 cũng cho biết họ đang thảo luận với các đồng minh về khả năng kích hoạt Điều 4. Ukraine không phải là thành viên của NATO, nhưng Ba Lan thì có.

Điều 4 NATO là gì?

Điều 4 của Hiến chương NATO quy định trường hợp một quốc gia thành viên cảm thấy bị đe dọa bởi một quốc gia khác hoặc một tổ chức khủng bố. Khi điều này được kích hoạt theo yêu cầu của thành viên cảm thấy bị đe dọa, toàn bộ các thành viên trong khối sẽ bắt đầu các cuộc tham vấn chính thức. Các cuộc đàm phán nhằm xem xét liệu một mối đe dọa có tồn tại hay không và cách đối phó với nó, với các quyết định được nhất trí đưa ra.

Tuy nhiên, Điều 4 không có nghĩa là sẽ có áp lực trực tiếp buộc phải hành động.

Cơ chế tham vấn này đã được kích hoạt nhiều lần trong lịch sử của NATO. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm điều này một năm trước, khi các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc tấn công từ Syria. Vào thời điểm đó, NATO đã quyết định tham vấn, nhưng không có bất kỳ hành động nào.

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 16/11/2022 tham dự cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo toàn cầu ở Bali, Indonesia, để thảo luận về vụ nổ trước đó ở Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng. Ảnh: CNN

Gần đây hơn, các thành viên NATO Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan đã kích hoạt Điều 4 sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Cùng với Slovakia, Hungary và Romania, ba quốc gia Baltic và Ba Lan là một phần của “sườn phía đông” của NATO, vốn đã được tăng cường hàng ngàn quân nhân, binh lính từ các nước thành viên NATO.

NATO đã tổ chức các cuộc đàm phán và cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, nhưng không gửi quân đội đến.

Sự khác biệt giữa Điều 4 và Điều 5 NATO

Chính quyền Ba Lan đã không đề cập đến việc kích hoạt Điều 5 của NATO về phòng thủ tập thể. Điều 5 được coi là nền tảng của liên minh, và nó quy định rằng bất kỳ “cuộc tấn công vũ trang” nào chống lại một thành viên NATO “sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh”.

Việc viện dẫn Điều 5 không có nghĩa là mọi quốc gia đồng minh phải đáp trả bằng hành động quân sự. Thay vào đó, họ có thể tự quyết định cách phản ứng. Lần duy nhất Điều 5 được sử dụng là vào năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào Mỹ.

Sau khi tên lửa do Nga sản xuất được Warsaw xác nhận rơi trong lãnh thổ Ba Lan hôm 15/11 gây thiệt hại về người, một số chuyên gia cho biết Điều 4 được kích hoạt là một hành động hợp lý.

Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy các hoạt động của Quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết các cuộc đàm phán theo sau Điều 4 sẽ phù hợp nếu vụ việc không phải là một cuộc tấn công có chủ ý vào Ba Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks cũng cho biết “phản ứng đầu tiên” của ông sẽ là áp dụng Điều 4.

Hiệp ước NATO chỉ áp dụng cho các quốc gia thành viên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/11/2022 nói chuyện với giới truyền thông sau vụ nổ ở Ba Lan hôm 15/11/2022 và cho biết những dấu hiệu sơ bộ cho thấy tên lửa có thể không được bắn từ Nga. Ảnh: Al Jazeera

Phản ứng của Nga

Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/11 bác bỏ các báo cáo của truyền thông Ba Lan về vụ rơi tên lửa Nga ở Ba Lan, cho rằng đây là “một hành động khiêu khích có chủ ý”, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Nga đã không thực hiện cuộc tấn công nào nhắm vào khu vực biên giới Ukraine-Ba Lan.

“Các phương tiện thông tin đại chúng và các quan chức Ba Lan cố tình khiêu khích để leo thang tình hình với cáo buộc về tên lửa Nga rơi vào làng Przewodów”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố. “Các lực lượng Nga đã không tiến hành cuộc tấn công nào vào khu vực giữa biên giới Ukraine-Ba Lan”.

“Các mảnh vỡ do các phương tiện truyền thông đại chúng Ba Lan công bố từ hiện trường ở Przewodów không liên quan đến hỏa lực của Nga”, tuyên bố cho biết.

Minh Đức (Theo TVN24, DW, CNN, TASS)