Tài chính - Ngân hàng

Bà Hương Trần Kiều Dung được đề cử làm Chủ tịch FLC Faros

"Trong trường hợp ứng viên Hương Trần Kiều Dung được Đại hội đồng cổ đông bầu vào Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị đề xuất bầu bà Hương Trần Kiều Dung giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty".

Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc đề cử ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, dự kiến tổ chức vào ngày mai 5/5.

Hai ứng viên được đề cử là bà Hương Trần Kiều Dung và bà Trần Thị Hương. "Trong trường hợp ứng viên Hương Trần Kiều Dung được Đại hội đồng cổ đông bầu vào Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị đề xuất bầu bà Hương Trần Kiều Dung giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty", nghị quyết của FLC Faros ghi rõ.

Bà Hương Trần Kiều Dung được đề cử làm Chủ tịch FLC Faros

Bà Trần Thị Hương sinh năm 1983, hiện nay là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes.

Bà Hương Trần Kiều Dung sinh năm 1978, là Tiến sĩ Luật Quy hoạch - Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp và có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.

Hiện nay, bà Dung là Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT FLCHomes. Bà từng có hai lần ngồi ghế Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC trong giai đoạn từ tháng 5/2015 đến tháng 3/2017 và từ tháng 7/2018 đến tháng 4/2020.

Xem thêm: Vì sao bà Hương Trần Kiều Dung thôi làm Tổng Giám đốc FLC?

Gần đây nhất, ngày 18/3, Tập đoàn FLC đã ban hành nghị quyết về việc bổ nhiệm tổng giám đốc mới. Theo đó, bà Bùi Hải Huyền, sinh năm 1976 sẽ thay bà Hương Trần Kiều Dung làm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC.

HĐQT FLC cho biết, nguyên nhân Phó Chủ tịch HĐQT Hương Trần Kiều Dung thôi kiêm nhiệm Tổng Giám đốc là để tập trung tham gia và chịu trách nhiệm cho công tác hoạch định và quản trị chung trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là bất động sản. Bà Dung hiện cũng là Chủ tịch HĐQT của FLCHomes.

Ngoài ra, bà Dung còn đang giữ các chức vụ: Chủ tịch CTCP Từ thiện Xã hội FLC, Chủ tịch CTCP FLC Travel, Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long, Chủ tịch Công ty TNHH FLC Đồ Sơn Golf & Resort.

Bà Dung đang sở hữu 132.000 cổ phiếu ROS, chiếm 0,023% vốn điều lệ FLC Faros.

FLC Faros và CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) đều đang muốn sáp nhập vào CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB). Đại hội cổ đông thường niên 2020 của AMD và GAB đều đã thông qua chủ trương sáp nhập. 

Đại hội cổ đông FLC Faros ngày mai 5/5 sẽ bàn bạc và biểu quyết chủ trương sáp nhập nói trên. Việc ai sẽ nằm trong ban lãnh đạo của công ty sau sáp nhập vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Cổ đông lớn nhất của FLC Faros hiện nay là ông Trịnh Văn Quyết với sở hữu 237,4 triệu cổ phiếu ROS, tương đương tỉ lệ 41,83%. Ông Quyết có nhiều năm giữ chức Chủ tịch FLC Faros nhưng đã từ nhiệm ngày 7/4 vừa qua. Người thay ông Quyết làm Chủ tịch công ty hiện nay là Tổng Giám đốc Nguyễn Thiện Phú.

Ông Phú sinh năm 1974, làm CEO FLC Faros từ tháng 6/2019. Ông cũng đang giữ chức Phó Tổng giám đốc tập đoàn FLC. Tính đến cuối năm 2019, ông Phú nắm giữ 39.600 cổ phiếu FLC Faros, tương ứng với tỷ lệ 0,007%.

FLC Faros niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 9/2016 với mã cổ phiếu ROS. Từ mức giá 10.000 đồng, ROS nhanh chóng tăng mạnh và lên đỉnh 178.000 đồng/cổ phiếu vào cuối 2017. Khi đó, ông Trịnh Văn Quyết gia nhập nhóm những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Nhưng từ đó, giá ROS bắt đầu đi xuống dần và hiện chỉ còn hơn 4.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mã này hiện vẫn nằm trong rổ VN30.

Vốn điều lệ hiện tại của FLC Faros là 5.676 tỷ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu 4.840 tỷ và báo lãi ròng 178 tỷ đồng.