Sức khỏe

Bà bầu sức khỏe thế nào cần phải làm xét nghiệm Triple test?

Không phải bà bầu nào cũng cần phải làm xét nghiệm Triple test, khi xét nghiệm Double test có kết quả nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, mẹ bầu tiến hành làm xét nghiệm Triple test.

Triple test giúp khẳng định lại kết quả của phương pháp Double test

Triple test là loại xét nghiệm sàng lọc sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai. Xét nghiệm này nhằm phát hiện các thai có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh.

Triple test là xét nghiệm sàng lọc sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai nhi. (Ảnh minh họa)

Vậy thai phụ nào cần làm xét nghiệm Triple test? Đó là khi làm xét nghiệm Double test cho kết quả có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh. Khi đó các bác sĩ yêu cầu mẹ bầu làm thêm xét nghiệm Triple test giúp khẳng định lại kết quả của phương pháp Double Test.

Triple test còn được gọi là bộ 3 xét nghiệm, bởi vì chúng cho biết 3 chỉ số: hCG (một loại hormone được sản xuất trong nhau thai), AFP (alpha-fetoprotein là protein được sản xuất bởi bào thai) và estriol (là một estrogen (một dạng hormone) được sản xuất bởi cả bào thai và nhau thai)

Cách tiến hành xét nghiệm Triple test

Xét nghiệm thường được thực hiện trong tuần thứ 15-20 của thai kỳ, bằng cách phân tích mẫu máu của mẹ. Do đó, nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Kết quả xét nghiệm có thể được trả lại cho thai phụ vài ngày sau đó.

Ngoài kết quả xét nghiệm với máu, các nguy cơ dị tật bào thai còn được định lượng trên các yếu tố như tuổi tác, cân nặng, chứng tiểu đường hoặc những bất thường về gene của người mẹ…

Các chất hóa sinh (alpha fetoprotein), β-hCG (beta-human chorionic gonadotropin) và estriol không liên hợp uE3 (unconjugated estriol) còn gọi là estriol tự do (free estriol) trong máu thai phụ được sản xuất một cách bình thường và xuất hiện trong máu mẹ trong quá trình phát triển của thai và nhau thai. Nếu thai có sự lệch bôi lẻ nhiễm sắc thể (aneuploidies), nồng độ của các thông số này sẽ thay đổi trong máu mẹ và việc định lượng chúng trong máu mẹ cùng với kết quả siêu âm,… có thể giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai. Triple test là xét nghiệm giúp khẳng định lại kết quả của phương pháp Double test.

Cách đọc kết quả Triple test

Triple test được đánh giá dựa trên hàm lượng cao hoặc thấp của AFP, hCG và estriol:

Hàm lượng AFP cao cho biết thai nhi có nguy cơ mắc khuyết tật ống thần kinh hoặc thiếu một phần não.

Hàm lượng AFP thấp, những bất thường về lượng hCG và estriol cho biết khả năng bào thai có thể mắc phải hội chứng Down (3 nhiễm sắc thể thứ 21) hoặc hội chứng Edward (3 nhiễm sắc thể thứ 18) và các bất thường về di truyền khác.

Ngoài ra, Triple test có thể nhận diện được song thai hoặc đa thai.

Những lưu ý về xét nghiệm Triple test

Sau khi làm Triple test, nếu kết quả dương tính với dị tật bẩm sinh, thai phụ thường được tư vấn làm thủ thuật chọc dò ối để xét nghiệm kết quả chính xác.

Nếu kết quả siêu âm và Triple “vênh” nhau (kết quả siêu âm thai là bình thường trong khi kết quả Triple test là bất thường), thai phụ nên trao đổi kỹ với bác sĩ để được tiến hành chọc dò ối.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm Triple test đôi khi chỉ mang tính tương đối. Bằng chứng là rất nhiều trường hợp thai nhi dương tính với dị tật nhưng sinh ra lại hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Cũng có khi thai phụ xét nghiệm ở nhiều nơi lại cho kết quả khác nhau, thậm chí xét nghiệm cùng một nơi ở hai thời điểm cũng cho ra kết quả khác nhau.

Vì thế, khi có kết quả xét nghiệm Triple test, bạn đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng tới thai nhi. Hãy nghĩ đến thủ thuật chọc dò màng ối để có kết quả chính xác hơn. Tuy vậy, nhiều người tỏ ra lo ngại bởi thủ thuật này có thể gây ra những biến cố không mong muốn.

Những tư vấn hữu ích, khoa học và chính xác nhất cho mẹ bầu - nhất là những phụ nữ lần đầu làm mẹ sẽ được cập nhật liên tục trên báo điện tử Người Đưa Tin vào lúc 8h sáng hằng ngày, mời quý vị và các mẹ bầu cùng đón đọc.

>>>Xem thêm: Tất tần tật thông tin về xét nghiệm Double test mẹ bầu cần biết

Phong Linh (tổng hợp)