Sức khỏe

Bà bầu bị khó thở khi mang thai có nguy hiểm cho thai nhi?

Khó thở khi mang thai là một trong những triệu chứng thường gặp, và triệu chứng này có thể "đồng hành" cùng mẹ bầu trong suốt 9 tháng "mang nặng".

Nguyên nhân gây khó thở khi mang thai

Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị khó thở khi mang thai, nhưng “thủ phạm” chính gây nên cảm giác này thường do những thay đổi của cơ thể trong thai kỳ.

Khó thở khi mang thai là một triệu chứng khá bình thường.

Sự gia tăng hormone khi mang thai, đặc biệt là progesterone, trực tiếp ảnh hưởng đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp ở não của bạn. Hệ quả, bạn cảm thấy hơi thở gấp gáp và khó khăn hơn.

Ngoài ra, khi mang thai, tử cung của bạn sẽ lớn dần lên để thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, khi tử cung mở rộng sẽ chèn ép, khiến hoạt động của cơ hoành bị hạn chế, làm bạn cảm thấy khó thở.

Triệu chứng khó thở khi mang thai có phải bất thường?

Theo các bác sĩ sản khoa, có khoảng ¾ thai phụ sẽ cảm thấy khó thở vào một số thời điểm nhất định trong giai đoạn mang thai. Không chỉ ở những tháng cuối thai kỳ mà nhiều người thậm chí còn bị khó thở khi mang thai những tháng đầu.

Khó thở khi mang thai là một triệu chứng khá bình thường và dường như sẽ đồng hành cùng mẹ bầu cho đến hết thai kỳ. Mặc dù là vậy, nhưng chị em cũng không cần phải quá lo lắng bởi hiện tượng này sẽ không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.

Cách giảm nhẹ tình trạng khó thở ở bà bầu

Nghỉ ngơi

Mẹ bầu hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết nếu cảm thấy không thở bình thường được. Trong giai đoạn sau của thai kỳ, phụ nữ mang thai không thể thực hiện các hoạt động thể chất như trước.

Chèn gối vào phần lưng trên khi ngủ có thể khiến tử cung nghiêng xuống và cung cấp cho phổi nhiều không gian hơn. Nghiêng nhẹ sang trái cũng hỗ trợ tử cung không đè lên động mạch chủ (động mạch chính di chuyển máu kết hợp oxy qua cơ thể), từ đó giúp mẹ bầu thở dễ dàng hơn.

Tập thể dục hoặc yoga đều là biện pháp giúp cải thiện nhịp thở và điều hòa nhịp tim khá lý tưởng cho bà bầu.

Vận động nhẹ

Vận động vừa phải chẳng hạn như tập thể dục nhịp điệu hoặc yoga đều là biện pháp giúp cải thiện nhịp thở và điều hòa nhịp tim khá lý tưởng. Tuy nhiên, dù bạn chọn hình thức tập thể dục nào, đừng thực hiện quá sức cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu thực hành nhé.

Lưu ý khi thấy mẹ bầu khó thở

Dù ban đêm hay ban ngày, nếu như mẹ bị khó thở và đi kèm với da chân chuyển sang màu đỏ, sưng to, bị sốt và ho có đờm xanh hoặc cảm thấy khó thở đột ngột chỉ trong vài phút thì đây là những biểu hiện khá nguy hiểm. Khi gặp vấn đền này, các mẹ hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm nhất.

Khó thở không phải là hiện tượng hiếm gặp, nó cũng có thể là triệu chứng của một vài căn bệnh khác nhau như suyễn, đau ngực, ho, sốt,... Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, các mẹ hãy chú ý bảo vệ sức khỏe cơ thể tốt nhất bằng cách ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc nặng trong thời gian mang thai nhé. Đặc biệt, đừng quên khám thai định kỳ để biết rằng thai nhi đang phát triển khỏe mạnh và đều đặn.

Những tư vấn hữu ích, khoa học và chính xác nhất cho mẹ bầu - nhất là những phụ nữ lần đầu làm mẹ sẽ được cập nhật liên tục trên báo điện tử Người Đưa Tin vào lúc 8h sáng hằng ngày, mời quý vị và các mẹ bầu cùng đón đọc.

>>>Xem thêm: Chuyên gia mách cách đề phòng tai biến tiền sản giật cực kỳ nguy hiểm đối với bà bầu

Phong Linh (tổng hợp)