Thế giới

Australia coi đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng tầm quốc gia

Australia tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là sự cố bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nghiêm trọng tầm quốc gia để tạo cơ sở cho các cơ quan chức năng phối hợp ứng phó dịch.

Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly ngày 28/7 tuyên bố, Australia quyết định tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là sự cố bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nghiêm trọng tầm quốc gia.

Tuyên bố của Giáo sư Paul Kelly có nghĩa là, việc ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ tại Australia sẽ có sự phối hợp trên quy mô liên bang, cùng với chính quyền và giới chức y tế các bang, trong trường hợp dịch bùng phát ở địa phương. Tuyên bố cũng có nghĩa là chính quyền liên bang sẽ có các chính sách y tế đồng bộ, các biện pháp can thiệp và thông điệp cộng đồng chung đối với căn bệnh này, đồng thời các nguồn lực quốc gia cũng sẽ được huy động để hỗ trợ những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Giáo sư Paul Kelly nhấn mạnh, mọi công tác đối phó dịch bệnh đang được tiến hành để đảm bảo giới y tế trên toàn quốc có các phản ứng nhanh nhất đối với căn bệnh này. Trung tâm sự cố quốc gia của Australia cũng đã được kích hoạt, giúp phối hợp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ.

Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang tăng nhanh ở nhiều quốc gia. (Ảnh: Reuters).

Giám đốc Y tế Australia cũng nhận định, mặc dù bệnh đậu mùa khỉ được xác định là không nguy hiểm và dễ lây lan như Covid-19 song kể từ trường hợp mắc bệnh đầu tiên được xác định tại Australia vào tháng 5/2022, nước này đã kết nối với cộng đồng có nguy cơ cao và làm việc chặt chẽ với các đối tác, các cơ sở y tế tại các bang và vùng lãnh thổ để xây dựng kế hoạch phản ứng nhanh chóng khi phát hiện ca bệnh.

Trung tâm Sự cố quốc gia cũng đã được kích hoạt để cung cấp sự phối hợp quốc gia nhằm hỗ trợ các bang và vùng lãnh thổ quản lý hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, trong kho dự trữ quốc gia, Australia cũng đã có thuốc kháng virus cũng như các loại thuốc điều trị khác để cung cấp cho các địa phương khi có yêu cầu. Đồng thời, Bộ Y tế Australia cũng đã cung cấp cách thức điều trị và hướng dẫn đối với nhân viên y tế trong việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện tại, Australia cũng đã phê duyệt vắc-xin ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ là ACAM2000 và thông tin cụ thể về các đối tượng tiêm cũng như cách thức tiêm.

Tất cả 44 ca bệnh đậu mùa khỉ tại Australia đều là những người trong độ tuổi từ 21 đến 40, là đồng tính nam, song tính luyến ái hay những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Australia chưa coi đậu mùa khỉ là bệnh lây lan qua đường tình dục vì hiện nay căn bệnh này được xác định là lan truyền khi có tiếp xúc gần, tiếp xúc với dịch của cơ thể, các giọt của đường hô hấp hay tiếp xúc trực diện lâu dài với người bệnh thì mới có nguy cơ lây nhiễm.

Nói về việc “tiêm chủng đại trà” chống lại bệnh đậu khỉ. Trong tuyên bố với giới báo chí tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 26/7, Tiến sĩ Rosamund Lewis, chuyên gia kỹ thuật của WHO về bệnh đậu khỉ, cho biết: “Hiện tại, việc tiêm phòng đại trà là không cần thiết”. WHO hiện cho rằng việc tiêm chủng phải được duy trì “mục tiêu” hướng tới những người bị nhiễm bệnh, những người có nguy cơ và nhân viên y tế có thể phải chăm sóc họ.

Ngày 27/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tính tới hiện tại, đã có hơn 18.000 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 78 quốc gia. 70% trong số này được báo cáo tại châu Âu trong khi 25% được phát hiện ở Mỹ.

Kể từ đợt bùng phát hồi tháng 5, thế giới ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Khoảng 10% phải nhập viện để kiểm soát cơn đau.

Quốc Tiệp (theo TTXVN, VOV)