Thế giới

Australia bày tỏ “ngưỡng mộ sâu sắc” với cố Nữ hoàng Elizabeth II

Thủ tướng Australia chuẩn bị đến Vương quốc Anh để dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II, diễn ra vào ngày 19/9 tới, và cũng sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tân Quốc vương.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 11/9 tuyên bố sẽ không thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai Hoàng gia Anh để tiến lên nền Cộng hòa khi ông đang trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Ông Albanese, một chính trị gia Đảng Lao động ủng hộ việc Australia bãi bỏ chế độ quân chủ, nói với Sky News rằng như một cách để bày tỏ “sự tôn trọng” sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, ông sẽ không thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về việc loại bỏ Quốc vương Anh làm Nguyên thủ Quốc gia của Australia.

Khi được hỏi liệu chế độ quân chủ có cần phát triển hay không, ông nói với Sky News: “Tất nhiên, nó đã phát triển, và nó sẽ tiếp tục phát triển. Nó sẽ cần phải tiếp tục vận động theo thời gian”.

“Những câu hỏi lớn hơn về hiến pháp của chúng tôi không phải là câu hỏi dành cho giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng Australia cho biết.

Ông giải thích: “Đây là giai đoạn rất nhiều người Australia đang cảm thấy đau buồn và muốn thể hiện sự tôn trọng và ngưỡng mộ sâu sắc của chúng tôi về những đóng góp của Nữ hoàng đối với Australia, và sự chuyển đổi chính thức ở đây là Vua Charles III nghiễm nhiên trở thành Nguyên thủ Quốc gia của Australia”.

Những người Ausstralia ủng hộ Chế độ quân chủ lập hiến ăn mừng tại một cuộc mít-tinh ở Sydney, năm 1999. Ảnh ABC Net News

Nữ hoàng Elizabeth được học sinh tặng hoa sau khi bay xuống sân bay Canberra, trong chuyến thăm Australia năm 2011. Ảnh: The Telegraph

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Albanese bắt đầu vào tháng 5, với cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến sớm nhất là đến năm 2025. Đây sẽ là thời điểm chủ đề về việc liệu có nên hủy bỏ chế độ quân chủ hay không sẽ được đem ra bàn lại ở Australia.

Australia đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào năm 1999, khi 45,13% ủng hộ việc thay thế Nữ hoàng bằng một Tổng thống đắc cử và 54,87% phản đối.

Các cuộc thăm dò ý kiến trong thời gian trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II đều cho thấy rằng tỉ lệ dân số Australia ủng hộ việc “xứ sở Kangaroo” trở thành một nước Cộng hòa vẫn sít sao so với tỉ lệ phản đối. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đo lường những tỉ lệ này dưới thời Vua Charles III.

Ông Albanese chuẩn bị đến Vương quốc Anh để dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II, diễn ra vào ngày 19/9 tới và cũng sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tân Quốc vương.

Quốc vương Anh vẫn là Nguyên thủ của 15 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung (The Commonwealth) - giảm từ 32 quốc gia khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi năm 1952.

Barbados trở thành quốc gia mới nhất trở thành nước Cộng hòa vào năm 2021, khi đảo quốc Caribe trở thành nước Cộng hòa Nghị viện.

Vua Charles III được chào đón ở Brisbane trong chuyến thăm Australia khi ông còn là Thái tử. Ảnh: ABC Net News

Kể từ khi Nữ hoàng Elizabth II tạ thế hôm 8/9, đến nay Australia, New Zealand và Canada đã công nhận Vua Charles III là Nguyên thủ Quốc gia của họ sau khi Quốc vương chính thức được tuyên bố kế vị ngai vàng hôm 10/9.

Tại Australia, Toàn quyền David Hurley đã tuyên bố tại tòa nhà Quốc hội ở Canberra rằng Vua Charles III làm Nguyên thủ Quốc gia của nước này. Tuyên bố được đánh dấu với lời chào mừng bằng 21 phát súng.

Ở Canada, tân Quốc vương Anh cũng đã chính thức được tuyên bố là Nguyên thủ Quốc gia của Canada trong một buổi lễ tại Rideau Hall ở Ottawa.

Ở New Zealand, lễ tuyên bố Vua Charles III diễn ra tại quốc hội ở Wellington.

Minh Đức (Theo iNews, ABC Net News, Global News)