Kinh tế vĩ mô

ASEAN+3 cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy phục hồi kinh tế

Để tận dụng động lực tăng trưởng từ kinh tế số và chuyển hóa các lĩnh vực thế mạnh, các quốc gia ASEAN+3 cần hợp tác sâu hơn và có chính sách thương mại mở.

Ngày 13/5, các chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và một số quốc gia đã thảo luận về những động lực tăng trưởng kinh tế chính của khu vực ASEAN+3, cũng như tiềm năng dài hạn của các lĩnh vực kinh tế số.

Buổi thảo luận có sự tham gia của ông Glenn van Zutphen, Nhà báo và Người sáng lập Tập đoàn VanMedia; ông Toshinori Doi, Giám đốc AMRO; ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia; ông Jung Byungsik, Phó Giám đốc Cục Tài chính Quốc tế, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc; chuyên gia kinh tế cấp cao James Villafuerte và Lei Lei Song từ ADB; và các nhà kinh tế học Marthe M. Hinojales và Ling Hui Tan từ AMRO.

Trong phần trình bày của mình, bà Hinojales đã trình bày nhiều ảnh hưởng khác nhau của đại dịch Covid-19 đối với tiềm năng tăng trưởng kinh tế của ASEAN+3, bao gồm lao động, năng suất, vốn và đầu tư. 

Về lao động, việc đại dịch ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh, đóng cửa trường học và giảm tỉ lệ tham gia thị trường lao động sẽ có ảnh hưởng dài hạn, đặc biệt là tại các nước có dân số già.

Về đầu tư, năng suất và đầu tư có thể sẽ bị ảnh hưởng do nợ khi chính phủ ngừng hỗ trợ, hoặc do các công ty hoạt động không hiệu quả vì phụ thuộc chính sách hỗ trợ.

Theo phân tích của AMRO, trong giai đoạn sau dịch, doanh nghiệp cần tận dụng sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, đặc biệt khi nhiều người đã quen với các dịch vụ qua Internet. Chính sách quản lý hỗ trợ cũng có thể giúp mở khóa tiềm năng của các lĩnh vực như dịch vụ ngân hàng số và y tế từ xa. Hợp tác giữa khác nước trong khu vực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng này. 

Các diễn giả tham gia thảo luận trong webinar do ADB và AMRO phối hợp tổ chức.

Còn theo chuyên gia James Villafuerte từ ADB, những lĩnh vực vốn đã phát triển tại khu vực như du lịch, dệt may và chế biến nông sản cần được chuyển hóa mạnh mẽ hoặc cải thiện, trong khi các ngành sản xuất thiết bị điện tử và thương mại điện tử có tiềm năng tăng trưởng cao.

Giống như phần phân tích của AMRO, ông Villafuerte và ADB cũng cho rằng cần tăng cường liên kết trong khu vực và khuyến khích môi trường thương mại mở và bao trùm.

Phát biểu về góc nhìn của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề kích thích tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, ông Trần Toàn Thắng cho biết chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam bao gồm đẩy mạnh xuất khẩu, sớm mở cửa nền kinh tế khi tỉ lệ tiêm chủng đạt mức cho phép, kèm theo gói hỗ trợ kinh tế - xã hội và tăng cường đầu tư hạ tầng. 

Ông Thắng cho rằng bài học chính từ trường hợp của Việt Nam là chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ và sau đó là kích thích kịp thời, đúng lúc. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam tin rằng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi, chủ yếu nhờ yếu tố lao động khi yếu tố vốn và đầu tư còn đang gặp khó khăn. 

Đối với những vấn đề kinh tế gần đây như tỉ lệ lạm phát cao, ông Thắng cho biết: “Hiện nay nguồn gốc của lạm phát phần nhiều đến từ trong nước. Giá bất động sản đã tăng quá cao, khiến chính phủ phải có giải pháp kiềm chế.” 

Bàn về vấn đề dư địa tài khóa, bà Ling Hui Tan cho rằng trong thời kỳ sau đại dịch, đầu tư công trong khu vực ASEAN+3 có thể suy giảm do yêu cầu duy trì dư địa tài khóa. Mỗi quốc gia sẽ cần chọn thời điểm thích hợp để dừng chính sách hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch; thời điểm này phụ thuộc và đà phục hồi kinh tế và nhu cầu hỗ trợ.