Bóng đá Anh

Arsenal trên đỉnh Ngoại hạng Anh: Hồn Highbury về với Emirates

Sau khi Arsenal chuyển sang sân Emirates, HLV Arsene Wenger từng nói đội bóng này đã bỏ quên linh hồn ở lại sân bóng cũ Highbury...

Một trong những trận đấu then chốt của Arsenal từ đầu mùa giải đến nay là cuộc tiếp đón kình địch láng giềng Tottenham. Vào đêm trước trận cầu đinh, các CĐV Arsenal đã vào bên trong sân Emirates để đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị chu toàn. Băng-rôn, biểu ngữ, cờ quạt đều được soạn sẵn để hôm sau “tiếp khách” một cách hoành tráng nhất.

Ngày hôm sau, khi hai đội bước từ ra từ đường hầm, những biểu ngữ cỡ lớn được giăng lên. “Chúng ta đến. Chúng ta thấy. Chúng ta chinh phục”, một biểu ngữ viết. “Bắc London nhuộm đỏ từ 1913”, một biểu ngữ khác nhắc về nguồn gốc sự hận thù giữa Arsenal và Tottenham. Và trên hết là hàng trăm lá cờ tung bay giữa bầu trời xanh.

Buổi biểu diễn chỉ trong tích tắc nhưng đun sôi sĩ khí người hâm mộ lẫn cầu thủ trên sân. Sau trận đấu, HLV Mikel Arsenal miêu tả bầu không khí trong sân Emirates chiều hôm ấy “có lẽ là điều tuyệt vời nhất tôi từng thấy ở sân bóng này kể từ khi gắn bó với CLB”. Thủ quân Martin Odegaard thì nhắn nhủ: “Thật tuyệt khi được thi đấu trên sân bóng này”. Tất nhiên, Arsenal đánh bại Tottenham trong trận derby Bắc London.

Sự hồi sinh trên những khán đài

Mùa giải thứ sáu dưới triều đại Pep Guardiola, Man City không hề yếu đi. Ngược lại, cỗ máy hủy diệt màu xanh còn hoàn thiện hơn với sự xuất hiện của trung phong Erling Haaland, chân sút đã ghi 17 bàn chỉ sau 11 lần ra sân tại Ngoại hạng Anh. Với chừng ấy trận đấu, The Citizens giành được 26 điểm, tức chỉ đánh rơi 7 điểm.

Thế nhưng, ngự trị trên đỉnh bảng lại không phải là các nhà đương kim vô địch. Sau 11 vòng đấu, Arsenal đã có 28 điểm, nhiều hơn Man City 2 điểm, và mới là đội nhất bảng. Thậm chí thầy trò Mikel Arteta còn thiết lập kỷ lục khởi đầu ấn tượng nhất lịch sử đội bóng với việc giành 27 điểm sau 10 vòng đấu đầu tiên. Có lẽ ngay cả những người hâm mộ lạc quan nhất của Pháo thủ thành London cũng chẳng dám mơ tưởng tới kỳ tích này trước khi mùa giải khởi tranh.

Hơn chục năm trường lụn bại, từ đối trọng của Manchester United trở thành “chú tư” rồi “anh sáu”, nhiều thời điểm ngay chính CĐV Arsenal cũng hoài nghi sự hồi sinh của đội bóng yêu quý. Niềm tin đã bị bào mòn hết sức. Tuy nhiên, sự thật là The Gunners đang hồi sinh mạnh mẽ, từ con người, lối chơi và phản ánh rõ rệt qua kết quả trên bảng xếp hạng Premier League.

Ngoài ra, một yếu tố khác rất dễ bị nhầm tưởng là thành quả của những thành công trên sân cỏ. Đó là sự sôi động trên những khán đài. Không phải đến mùa giải này, cầu trường Emirates mới trở nên náo nhiệt. Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, chuyển biến trên những cầu trường thu hút sự bàn luận của cả những cầu thủ Arsenal. Bước ngoặt đến từ hội CĐV được biết đến với cái tên đầy hiếu chiến: Ashburton Army.

Đem hồn Pháo thủ về cho Emirates

Học hỏi từ những hội CĐV… cực đoan thường thấy tại Nam Mỹ, một nhóm người hâm mộ trẻ của Pháo thủ thành London đã đề xuất với ban lãnh đạo đội bóng tạo điều kiện cho họ tụ tập cổ vũ mỗi khi Arsenal thi đấu trên sân nhà. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cần biết rằng, các nhà quản lý bóng đá Anh có xu hướng bài trừ những hội, nhóm CĐV cuồng tín vì lo sợ gây ảnh hưởng tới môi trường bóng đá chuyên nghiệp và làm mất đi sự sang trọng trên những sân bóng đắt tiền.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Arsenal lại nghĩ khác. Từ lâu nay, Emirates bị chế giễu giống như một thư viện bởi bầu không khí trầm lắng. Thiết kế của sân bóng lớn thứ năm Anh quốc này lại thiếu điểm nhấn để những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất tụ hội. Những CĐV lâu năm vẫn nhớ nhung về Highbury nhỏ nhắn nhưng đặc quánh mùi “thuốc súng” ở hai cực Clock End và North Bank. Chuyển sang nhà mới, CĐV Arsenal cảm thấy như bị chia cắt. Hoặc như Arsene Wenger, vị chiến lược gia vĩ đại nhất lịch sử Arsenal, người bước sang tuổi 73, đúc kết: “Arsenal đã bỏ linh hồn ở lại Highbury”.

Một khía cạnh khác, giá vé cũng ảnh hưởng đến sự sôi động của những cầu trường. Arsenal là một trong những đội bóng bán vé đắt nhất Premier League, mức giá mà chỉ có người hâm mộ trung niên trở lên mới đủ khả năng tài chính để đến sân theo dõi thường xuyên hoặc mua vé mùa. Còn thanh niên, những người hoạt bát và sôi nổi nhất không phải lúc nào cũng sẵn tiền mua vé.

Bởi vậy, ví von một cách hình ảnh, Emirates như cái xác không hồn của Arsenal. Pháo thủ chơi bóng trên sân nhà nhưng lại chẳng có chút ưu thế nào từ sự cổ vũ của người hâm mộ. Cần nhấn mạnh, Những sân bóng vĩ đại bởi phần hồn nhiều hơn là vẻ hào nhoáng, hiện đại, kinh phí hay sức chứa. Nhắc đến Camp Nou, người ta nói đến những bậc thềm còn vọng lại tiếng rên riết của người Catalonia dưới ách độc tài Franco. Nhắc đến Bernabeu, người ta nhắc đến phong cách cổ vũ “hoàng gia” theo kiểu sẵn sàng vỗ tay tán thưởng đối thủ (kể cả Barca) hay la ó cầu thủ đội nhà (bao gồm Crisrtiano Ronaldo).

Signal Iduna Park của Dortmund khiến đối phương rợn gáy vì những tấm tifo khổng lồ và cách thiết kế khán đài dựng đứng để tạo hiệu ứng âm thanh “đổ” về phía sân vận động. Cầu trường Anfield của Liverpool luôn sôi động bởi âm vang trầm bổng của những khúc ca hùng tráng. Maracana, San Siro, Wembley thì vĩ đại bởi những câu chuyện nhuốm màu sử thi.

Vì vậy, BLĐ Arsenal chấp nhận sự xuất hiện của nhóm CĐV cực đoan Ashburton Army như cách để cải tạo bầu không khí trên khán đài. Kết quả như đã thấy, Arsenal đang đứng trên đỉnh Ngoại hạng Anh.