Công nghệ

Apple tiếp tục gặp rắc rối

Apple có thêm tình tiết gây bất lợi trong vụ kiện chống độc quyền của "cha đẻ" kho ứng dụng Cydia.

Theo Zing, Apple vừa thua một bước trong vụ tranh chấp liên quan đến Cydia, kho ứng dụng nổi tiếng ra mắt trên iPhone vào năm 2007. Trước đó, Táo khuyết đã yêu cầu tòa án bác bỏ đơn kiện do Jay Freeman, lập trình viên tạo ra Cydia nộp lên. Ông cáo buộc Apple lợi dụng quyền lực để khiến kho ứng dụng này sụp đổ, dọn đường cho App Store. 

Theo Reuters, Apple muốn hủy bỏ vụ kiện vì cho rằng cáo buộc của Cydia vượt quá thời hạn 4 năm theo luật chống độc quyền. Tuy nhiên trong phán quyết đưa ra ngày 26/5, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers tại tòa án California đã bác bỏ yêu cầu của Apple.

SaurikIT LLC, công ty sở hữu Cydia được xem là nguyên đơn. Thẩm phán Rogers cho rằng yêu cầu bồi thường của SaurikIT trong đơn kiện đầu tiên đã quá thời hiệu quy định. Tuy nhiên, bà cho phép công ty sửa đơn kiện để nộp lại vào tháng 1 năm nay.

Trong đơn kiện mới, nhóm luật sư của Cydia lập luận rằng những bản cập nhật của Apple từ năm 2018-2021 chứa các sửa đổi "mạnh mẽ hơn", gây thiệt hại cho các bên phân phối ứng dụng iOS như Cydia một cách rõ ràng.

Vào tháng 2, nhóm luật sư của Apple gọi những cáo buộc của Cydia là "quá thời hạn" và "cũ kỹ", kêu gọi thẩm phán Rogers bác bỏ mọi khiếu nại.

Jay Freeman là "cha đẻ" của Cydia. Khi dùng iPhone năm 2007, ông thất vọng bởi điện thoại thiếu nhiều tính năng quan trọng. Từ đó, Freeman tạo ra Cydia (tên đặt theo một loài sâu bệnh) và thành công vang dội.

Theo Freeman, khoảng 50% người dùng iPhone đầu tiên đã “bẻ khóa” (jailbreak) điện thoại để cài đặt Cydia. Từ khi App Store ra mắt năm 2008, Apple luôn cảnh báo người dùng về rủi ro khi jailbreak. Freeman cho rằng chúng đã bị thổi phồng quá mức.

Apple thời gian gần đây liên tục đương đầu với các vụ kiện. Theo Thanh Niên, 2 tuần trước Apple bị kiện vì gây hỏng thính giác người dùng Airpods Pro.

Theo 9to5mac, Apple đối mặt với một vụ kiện mới từ một gia đình, cho biết thính giác của con trai họ đã bị hỏng vĩnh viễn khi tính năng Amber Alert phát qua AirPods Pro ở mức âm lượng quá lớn.

Trong thông cáo được công bố bởi hãng luật Paranjpe Mahadass Ruemke, phụ huynh giải thích con trai họ đang xem Netflix trên iPhone thì cảnh báo phát ở âm lượng “đinh tai nhức óc”. Mức độ âm thanh của Amber Alert quá lớn dẫn đến buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt và ù tai. Hiện cậu bé được yêu cầu đeo máy trợ thính cho phần còn lại của cuộc đời.

Đào Vũ (T/h)