Công nghệ

Apple có kế hoạch xây dựng hạ tầng riêng cho dịch vụ tài chính

Nhằm giảm phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài, Apple đang phát triển hạ tầng và công công nghệ xử lý thanh toán của riêng mình dành cho các sản phẩm tài chính.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Apple đang xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm phát triển hạ tầng và công nghệ riêng cho dịch vụ tài chính, bao gồm xử lý thanh toán, đánh giá rủi cho cho vay, phân tích lừa đảo, kiểm tra tín dụng và nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng khác. Kế hoạch này sẽ tập trung vào các sản phẩm tương lai của Apple thay vì dịch vụ hiện hành. 

Ở thời điểm hiện tại, danh mục sản phẩm và dịch vụ tài chính của Apple bao gồm thẻ tín dụng Apple Card, tính năng chuyển tiền Apple Cash (Card và Cash đều chỉ có tại Mỹ) và ứng dụng Wallet.

Thẻ tín dụng Apple Card hiện sử dụng phần mềm xử lý thanh toán của CoreCard Software và phụ thuộc vào ngân hàng Goldman Sachs cho các cấu phần khác như cho vay, kiểm tra tín dụng và xử lý lịch sử giao dịch. 

Quyết định tiến sâu hơn vào lĩnh vực tài chính của Apple có thể sẽ không phải là dự án dễ dàng, khi mà Meta (Facebook) và Google đều đã từng có tham vọng tương tự nhưng rồi lại phải thoái lui. Tuy nhiên, Apple đã có thành công đáng kể với Apple Pay và doanh thu hàng tỷ USD từ dịch vụ này hàng năm kể từ khi ra mắt 2022. 

Các dịch vụ tài chính như Apple Pay và Wallet giúp giữ chân khách hàng với iPhone, đồng thời tạo ra doanh thu cho Apple từ tiền lãi và phí giao dịch. Đây có thể là một lý do mà Apple muốn quyền kiểm soát lớn hơn đối với quá trình giao dịch - khả năng tạo ra dịch vụ mới nhanh hơn.

Việc có được hạ tầng và công nghệ riêng cho dịch vụ tài chính cũng có thể giúp Apple mở rộng dịch vụ tới thêm nhiều quốc gia. Tuy Apple Pay hiện đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, những sản phẩm và tính năng như Apple Card và Apple Cash vẫn chỉ có tại Mỹ. Đối tác xây dựng các dịch vụ này chỉ tập trung tại thị trường Mỹ và do đó sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng toàn cầu của Apple trong mảng này.

Dự án mà Apple đang xây dựng cũng sẽ bao gồm một dịch vụ “mua trước trả sau” mang tên nội bộ “Apple Pay Later”. Với dịch vụ này, Apple nhiều khả năng sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng có điểm tín dụng cao và khoản thanh toán nhỏ khoảng vài trăm USD, đồng thời yêu cầu dùng thẻ ghi nợ thay vì thẻ tín dụng để hạn chế rủi ro.

Với mô hình “mua trước trả sau này”, cơ chế đánh giá rủi ro tín dụng của Apple cũng sẽ xem xét cả lịch sử thanh toán của khách hàng trên App Store hoặc liệu thẻ tín dụng gắn với iTunes/App Store từng bị từ chối hay không.

Tùng Phong (Theo Bloomberg)