Kinh tế vĩ mô

Áp lực điều hành giá trong năm 2022 là rất lớn

Theo ông Nguyễn Xuân Định – Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao như xăng, dầu, than… đã tạo nên áp lực rất lớn đối với điều hành giá.

Loạt nhân tố gây áp lực điều hành giá

Tại diễn đàn “Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngay từ đầu năm, nền kinh tế đối diện với không ít thách thức, đó là các cú sốc về thiếu nguyên vật liệu dẫn đến giá đầu vào tăng, giá năng lượng nhảy vọt.

Theo ông Định, một trong những rủi ro lớn nhất chính là yếu tố chi phí đẩy. Giá nguyên vật liệu, năng lượng và giá xăng dầu thời gian vừa qua tăng chóng mặt. So với thời điểm 1 tháng trước, giá xăng dầu thành phẩm chỉ ở mức 98 USD/thùng, nhưng đến nay, vượt qua mức 130 USD/thùng.

Hay mặt hàng than cũng là một trong những yếu tố tạo nên chi phí đẩy, ảnh hưởng đến ngành điện. Cách đây khoảng 2 tuần, giá than trên thị trường thế giới chỉ khoảng hơn 200 USD/tấn nhưng nay lên đến vượt ngưỡng hơn 400 USD/tấn.Mặt khác, lạm phát trong tháng 3 tại nhiều quốc gia trên thế giới như tại châu Âu đều vượt 5%.

“Là một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chúng ta không tránh khỏi việc nhập khẩu lạm phát do chịu tác động gián tiếp từ tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Khi đó, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ đội lên nhanh chóng. Đây là một trong những vấn đề Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá rủi ro nhất”, ông Định cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Cũng theo vị đại diện Cục Quản lý giá, trong năm 2021 còn thêm những thách thức khác trong điều hành giá là việc thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ công theo Nghị định của Chính phủ, hiện chưa điều chỉnh do bối cảnh kinh tế xã hội vẫn còn nhiều phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

“Bước sang năm 2022, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công cũng cần được đánh giá tính toán kỹ lưỡng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các đơn vị đầu mối", ông Định nói và nhấn mạnh, trước những rủi ro trước mắt, công tác quản lý và đánh giá cần phải triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, ngay từ quý I và quý II là thời gian bản lề cho năm 2022.

Theo ông Định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có những phối hợp với các đơn vị để xây dựng một kịch bản điều hành giá, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giáo để báo cáo với Thủ tướng. Với kịch bản điều hành giá năm nay, với các kịch bản xăng dầu khác nhau, lạm phát có thể lên đến từ 3,6 - 4,3%.

Phải linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ

Để kiềm chế lạm phát, ông Nguyễn Xuân Định cho rằng, đầu tiên, phải điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa để mặt bằng, lãi suất, tín dụng, tỷ giá được điều hành ổn định và đưa lạm phát lõi, lạm phát cơ bản ở mức thấp.

Năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một nhận định và dự báo kịch bản lạm phát cơ bản có thể ở mức từ 2 - 2,5%. Vì vậy, việc phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đó là giải pháp quan trọng đầu tiên và tiên quyết.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp về chính sách phù hợp trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng. Cục Quản lý giá với vai trò giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, giải pháp quan trọng tiếp theo chính là tăng cường công tác tổng hợp, phân tích dự báo, nhận diện tình hình thị trường để dự báo và chuẩn bị các kịch bản.

“Giá dầu thế giới biến động thất thường, phải lường trước, đưa ra giải pháp chuẩn bị chủ động, triển khai ngay được trong bối cảnh có biến động bất thường. Kịch bản này không cố định ngay từ đầu năm mà liên tục cập nhật tình hình thế giới nếu có những biến động”, ông Định nhấn mạnh.

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa có những biến động bất thường, việc điều hành giá đóng vài trò rất quan trọng (Ảnh: Hữu Thắng).

Tiếp theo, tất cả địa phương, các ngành phải theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, bởi giá cả thị trường hiện nay biến động khó lường ảnh hưởng tới lợi ích sát sườn nhất của người dân, khi đi chợ người tiêu dùng sẽ nhận thấy ngay.

Với những mặt hàng không quản lý giá nhưng khi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh điều chỉnh giá cũng phải kê khai với các đơn vị có thẩm quyền.

Theo ông Định, lúc đó, sẽ đánh giá được việc tăng, giảm cũng như nguyên nhân và từ đó, đưa ra giải pháp tại địa phương. Quan trọng nhất vẫn là thanh tra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí.

Bên cạnh những giải pháp mang tính chất ứng phó, vị đại diện Bộ Tài chính cũng đề ra những giải pháp mang tính chất căn cơ, đó là hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, củng cố những biện pháp về quản lý điều hành giá, giúp các bộ ngành, địa phương triển khai công tác quản lý, điều hành giá, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh giá cả hàng hóa có những biến động bất thường.

“Phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vì đôi khi lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý còn xảy ra nhiều hơn. Cá biệt, nhiều đơn vị kinh doanh có tâm lý “tát nước theo mưa” và tăng giá ngay mặt hàng.

Vì vậy, phải nắm bắt, theo dõi sát diễn biến giá thị trường và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, từ đó, sẽ phân tích được nguyên nhân tại sao mặt hàng tăng giá, do tăng giá xăng dầu đầu vào hay không, liệu mặt hàng với mức tăng hợp lý chưa”, ông nhìn nhận.

Điều chỉnh thuế xăng dầu phải rất thận trọng

Liên quan đến đề xuất mạnh tay giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ kìm đà tăng giá xăng dầu đang ở mức cao và giảm áp lực lên lạm phát, ông Định cho rằng, chính sách thuế nên là một trong những chính sách cần phải giữ ổn định trong một khoảng thời gian, để tạo ra sự ổn định trong chính sách, giúp môi trường kinh doanh, đầu tư cũng như tiêu dùng sản xuất giữ đà ổn định.

Hơn nữa, việc điều chỉnh chính sách về thuế cần một sự tính toán rất thận trọng với nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề. Không chỉ là hụt thu ngân sách mà còn phải đánh giá thêm rất nhiều khía cạnh khác như giảm thuế bảo vệ môi trường với biên độ lớn hơn có ảnh hưởng đến việc chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam với một số quốc gia xung quanh như Campuchia.

“Liệu tình trạng buôn lậu xăng dầu xảy ra phức tạp hơn không, bởi nếu không kiểm soát chặt việc nhập lậu xăng dầu, vẫn sẽ làm giảm tác dụng của chính sách này”, ông Định nêu vấn đề.

Mặt khác, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thủ tục, quy trình khắt khe và cần có những đánh giá rất chi tiết. Vì vậy, việc áp dụng chính sách này khó có thể theo kịp khi giá biến động thường xuyên.